Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm gì để cải thiện văn hóa du lịch?

Lâm Vũ| 02/04/2016 07:42

(HNM) - Năm 2015, cả nước có khoảng 45 triệu lượt người Việt đi du lịch trong nước và hơn 6 triệu lượt người du lịch nước ngoài. Trong số này, nhiều người lần đầu đi du lịch xa, thiếu sự tư vấn và hướng dẫn nên mang theo những thói quen không đẹp đến những điểm vui chơi đông người, làm xấu xí hình ảnh người Việt, đặc biệt là khi du lịch nước ngoài.

Tuyên truyền du lịch văn minh tại ngày hội du lịch TP Hồ Chí Minh 2016.


Thiếu ý thức, không tuân thủ quy định

Tại cuộc tọa đàm "Nâng cao hình ảnh du khách Việt" do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức ngày 31-3, nhiều đại biểu tham dự đã bày tỏ bức xúc trước những thói xấu của du khách Việt khi đi du lịch nước ngoài. Cụ thể, không ít du khách mặc đồ ngủ khi ra khỏi phòng khách sạn rồi xuống hồ bơi, ra bãi biển, đi chợ, đi dạo, thậm chí cả khi đi máy bay.

Cá biệt có người còn ở trần ra phố, coi cả thế giới như nhà mình. Một bộ phận người Việt Nam cũng thường nói chuyện, nghe điện thoại ồn ào nơi công cộng và rất ít khi đúng giờ. Số khác thì thích trốn vé tàu điện, vé tham quan… Tại các điểm đến, nhiều người mất trật tự hoặc bỏ nghe thuyết minh, ít tìm hiểu văn hóa, lịch sử; nhiều người sẵn sàng đạp lên cỏ, giẫm lên hoa, trèo lên tượng để chụp ảnh... Đặc biệt trong ăn uống, nhiều du khách quen dùng đũa, muỗng riêng để lấy thức ăn chung, bỏ thừa thức ăn...

"Không ít người Việt Nam có tật táy máy, cầm nhầm đồ người khác, nhất là trong các cửa hàng, cửa hiệu nước ngoài. Bên cạnh đó, lợi dụng chính sách thông thoáng trong du lịch, một số người đã trốn ở lại, cư ngụ bất hợp pháp...", ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tour cho biết. Còn ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty TransViet chia sẻ một câu chuyện khiến nhiều người phải suy nghĩ: "Trong chuyến đi tới hòn đảo Kyushu ở miền Nam Nhật Bản năm ngoái, đoàn chúng tôi được đón tiếp rất trọng thị.

Bác lái xe người Nhật lớn tuổi nhưng phục vụ rất tốt, lịch sự, lái xe giỏi và giữ xe rất sạch sẽ. Mới đầu, bác rất vui vẻ, cười suốt. Nhưng khách Việt Nam mình thường xuyên ăn uống trên xe và xả rác bừa bãi khiến bác phải dọn rất vất vả. Đã thế lại hay đến muộn ở nơi xe không được phép dừng đỗ lâu. Đến ngày cuối, bác không thể cười được nữa vì có 2 khách mải shopping nên đến điểm hẹn trễ gần một giờ đồng hồ".

Cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử

Với những thói quen không đẹp nêu trên, du khách Việt đã gây ra nhiều hệ lụy mà rõ nhất là số nước miễn thị thực cho Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/4 Singapore (45/167), thua cả Lào, Campuchia và Đông Timor. Theo ông Vũ An Dân, Trưởng khoa Du lịch, Trường ĐH Mở Hà Nội, những hành vi không đẹp của du khách Việt cũng ít nhiều gây ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia. "Dù đó chỉ là biểu hiện nhỏ của một số người, nhưng khi không có điều kiện trải nghiệm cuộc sống ở Việt Nam thì người ta dễ dàng khái quát hóa thành người Việt Nam là như vậy và sẽ có cái nhìn sai lệch về người Việt Nam", ông Vũ An Dân chia sẻ.

Để giải quyết tình trạng trên, theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Bộ Ngoại giao và Bộ VH,TT&DL (cụ thể là Tổng cục Du lịch) cần sớm biên soạn bộ quy chế chuẩn văn hóa tối thiểu của người Việt khi ra nước ngoài đồng thời có chế tài xử phạt nghiêm khắc. Với cá nhân vi phạm có thể cấm xuất cảnh có thời hạn đến vĩnh viễn nếu cố ý vi phạm quy chế. Với các đơn vị, tổ chức thì truy cứu trách nhiệm lãnh đạo, thu hồi giấy phép, cấm kinh doanh có thời hạn cho đến vĩnh viễn tùy hậu quả.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, cần nghiên cứu đưa mục văn minh du lịch vào Luật Du lịch sửa đổi 2016. Bên cạnh đó, phát động các chương trình quốc gia nhằm nâng cao văn minh khi đi du lịch. Các công ty lữ hành cũng cần khuyến cáo khách đi du lịch bằng cách phát tờ rơi bộ quy tắc văn minh du lịch, tuân thủ pháp luật cho khách. Với các trường học, cần đưa chương trình đào tạo nâng cao văn minh du lịch và tuân thủ pháp luật khi đi du lịch cho hướng dẫn viên, điều hành, quản lý du lịch để cùng thực hiện và nhắc nhở khách.

Được biết, thời gian vừa qua, Công ty TransViet đã khởi xướng chương trình nâng cao văn minh du lịch và tuân thủ pháp luật khi đi du lịch. Cụ thể, công ty đã xây dựng bộ quy tắc và tờ rơi về văn minh du lịch, phát tờ rơi văn minh du lịch tuyên truyền cho khách của TransViet tại Sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, tại các hội chợ du lịch; yêu cầu hướng dẫn viên nhắc nhở du khách nghiêm túc thực hiện văn minh du lịch và tuân thủ pháp luật khi đi du lịch. Qua thực tế triển khai cho thấy, khi được tuyên truyền, nhắc nhở, du khách đã hạn chế đáng kể những hành vi xấu, kém văn minh lịch sự. Nên chăng, các công ty lữ hành cũng tham khảo cách làm này để hình ảnh du khách Việt trở nên đẹp hơn trong con mắt người nước ngoài.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu: Cho đến nay, chế tài ràng buộc trách nhiệm về hành vi ứng xử của du khách chưa có, nhưng trong các văn bản hướng dẫn của ngành Du lịch cũng như trên các diễn đàn thông tin chuyên ngành, Tổng cục đều hướng tới vấn đề văn minh du lịch. Cụ thể, chúng tôi quy định những vấn đề du khách được làm, không được làm để dần dần xây dựng một thế hệ du khách đi du lịch thông minh hơn, đạt được những giá trị tốt đẹp hơn và ít gây phương hại đến môi trường xung quanh. Còn quy tắc ứng xử dành cho du khách thì thực tế Tổ chức Du lịch thế giới đã có và Tổng cục đã phổ biến trên các website của ngành và các địa phương. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm gì để cải thiện văn hóa du lịch?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.