(HNM) - Trong trồng trọt, cách thức sử dụng phân bón là một yếu tố quyết định năng suất, chất lượng nông phẩm...
Lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sẽ gây đột biến gen với một số cây trồng và tạo nguy cơ ô nhiễm môi trường. Ảnh: Duy Khương |
Lãng phí, gây ô nhiễm
Cánh đồng đang vụ mùa. Cuối tháng 7, trời lúc nắng gắt, lúc oi ả, tối sầm do "bão dọa". Chia sẻ về việc chăm sóc lúa, rau màu, ông Nguyễn Danh Long, xã Tân Tiến (huyện Chương Mỹ) thủng thẳng: Là việc làm thường xuyên nhưng để bón phân cho cây trồng đúng liều lượng, chủng loại thì với không ít người là việc cũng khó. Vì nông dân quen sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất và... kinh nghiệm.
Dường như đây là tình trạng chung ở không ít nơi, không chỉ với nông dân ở Hà Nội. Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thoa đánh giá: Hiện nông dân vẫn có thói quen bón nhiều phân đạm (urê), không bón kết hợp và cân đối giữa đạm, lân, kali. Thời kỳ bón phân không đúng hoặc phân kém chất lượng, không bón hoặc ít sử dụng phân bón hữu cơ. Cách bón phân chủ yếu là vãi trên mặt đất, phân bón ít được vùi vào trong đất, hiệu quả thấp. Chẳng hạn như cây lúa, do nông dân bón thừa quá nhiều đạm, gây ra hiện tượng lúa bị lốp, màu lá cây thường xanh mướt hoặc xanh đậm nhưng sức kháng chịu sâu bệnh kém, phát triển chậm.
Theo ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, nguyên nhân của tình trạng trên nằm ở tập quán canh tác và nhiều nông dân chưa được đào tạo, tập huấn về sử dụng phân bón. Thực tế cho thấy, để nâng cao năng suất cây trồng, nông dân đã tăng lượng phân bón gấp 2-3 lần, thậm chí 5-7 lần so với nhu cầu, dẫn đến dư thừa lượng nitrat trong rau, củ, quả. Ngoài ra, việc sử dụng đạm hóa chất trong trồng trọt bừa bãi khiến dư thừa nitrat và khi vượt ngưỡng sẽ biến thành nitrit gây nguy hại cho con người, ảnh hưởng tới nguồn gen các loài sinh vật. Đồng thời, phần dư thừa chưa được cây trồng hấp thu sẽ tồn lại trong đất hoặc bị rửa trôi theo nguồn nước mặt, nước mưa, gây ô nhiễm nguồn nước.
Không chỉ có vậy! Thông tin từ bà Nguyễn Thị Thảo, xã Kim An (huyện Thanh Oai), rất đáng chú ý: Những năm 90, ruộng ở đây màu mỡ. Nhưng do sử dụng nhiều loại phân hóa học cùng với thuốc bảo vệ thực vật nên đất chai cứng, khả năng giữ nước kém, không còn tơi xốp và màu mỡ như trước. Để cải tạo, một số trang trại quy mô lớn hằng năm đều mua đất ở nơi khác về đổ vào vườn. Các hộ không có điều kiện vẫn canh tác trên đất bị bạc màu...
"Dẫn chứng" mức độ ô nhiễm môi trường do phân bón gây ra, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Oai Đoàn Viết Tuấn cho biết: Hiện sông Đáy, sông Nhuệ và các hồ trên địa bàn huyện có mức độ ô nhiễm ở mức báo động. Nguyên nhân một phần là việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp.
Dứt khoát thay đổi tập quán
Cách thức sử dụng phân bón là một yếu tố quyết định năng suất, chất lượng nông sản. |
Nguồn chất thải vào môi trường từ trồng trọt đang có xu hướng gia tăng, trong khi việc kiểm soát chưa đạt hiệu quả. Đáng lo ngại nhất là chất thải từ phân bón. Hiện cả nước có 26 triệu héc ta đất gieo trồng, tổng lượng phân bón sử dụng từ 10 đến 11 triệu tấn/năm. Theo tính toán của cơ quan chức năng, hiệu suất sử dụng phân đạm khi bón vào đất chỉ đạt 30-45%; phân lân 40-45%; kali 40-50% tùy theo chân đất, giống cây trồng, thời vụ, phương pháp bón, loại phân bón. Từ thực tế này, cơ quan chức năng ước tính việc sử dụng phân bón đang gây lãng phí 30.000 tỷ đồng/năm. Đáng lo ngại hơn, một lượng không nhỏ dư lượng do không được cây trồng hấp thu sẽ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái nông nghiệp, làm ô nhiễm nguồn nước, đất và có thể gây đột biến gen đối với một số cây trồng...
Để hạn chế tối đa lượng phân bón dư thừa trong đất do bón phân quá liều, nhiều chuyên gia ngành Nông nghiệp khuyến cáo cần bón phân cân đối, hợp lý, phù hợp với cây trồng, đất trồng, khí hậu, kỹ thuật canh tác.
PGS.TS Nguyễn Như Hà, Trưởng bộ môn Nông hóa học (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng: Mỗi loại phân bón thường thích hợp với một đối tượng sử dụng cụ thể, không hiệu quả đối với cây trồng này, đất này nhưng lại hiệu quả với cây trồng khác hay đất khác. Do đó, cần tăng cường mở các lớp tập huấn cho nông dân để họ có kiến thức chọn đúng loại và dạng phân phù hợp với cây trồng, tránh tình trạng bón phân vô tội vạ và không theo quy trình kỹ thuật.
Ngoài ra, cần triển khai hiệu quả chương trình 3 giảm (giảm lượng phân đạm, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng giống gieo trồng) để đạt 3 tăng (tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế). Cùng với đó, ngành Nông nghiệp, các địa phương hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón hợp lý theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng chủng loại, đúng liều lượng, đúng thời gian, đúng phương pháp) nhằm cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết để cây trồng cho năng suất, chất lượng tốt, tăng độ phì nhiêu cho đất.
Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Hoàng Trung, ngoài việc tuyên truyền cho nông dân hiểu đúng về kỹ thuật, các bộ, ngành liên quan phải làm tốt công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, tránh tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng lưu thông trên thị trường. Vì khi người dân mua phải loại phân bón này để sử dụng, hiệu quả vừa thấp, bị thiệt hại về kinh tế, vừa gây ô nhiễm môi trường.
Những hậu quả không thể xem thường từ tình trạng lạm dụng phân bón trong trồng trọt cho thấy đã đến lúc phải dứt khoát nói "không" với tập quán sản xuất cũ. Làm được như vậy, bản thân người nông dân cả nước tiết kiệm được hàng chục nghìn tỷ đồng và quan trọng hơn là sản xuất nông phẩm đạt chất lượng, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.