Ngày 25-4, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam công bố báo cáo "Cập nhật Tình hình Kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương) kỳ tháng 4-2025, trong đó dự báo tăng trưởng khu vực sẽ giảm còn 4% trong năm 2025, so với mức 5% trong năm 2024.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang, nhu cầu tiêu thụ toàn cầu đã suy yếu và bất ổn kinh tế kéo dài.
Theo báo cáo cập nhật kinh tế khu vực năm 2025, WB dự báo tăng trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương sẽ giảm còn 4% trong năm 2025, so với mức 5% trong năm 2024.
WB cho biết niềm tin của giới doanh nghiệp và người tiêu dùng trong khu vực đang bị ảnh hưởng bởi bất định toàn cầu, khiến đầu tư và tiêu dùng suy giảm.
Các biện pháp hạn chế thương mại và tăng trưởng toàn cầu chậm lại tiếp tục gây áp lực đối với xuất khẩu của khu vực. Dù vậy, WB cho biết tỷ lệ nghèo đói trong khu vực được kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm.
WB nhận định triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2025 của một số quốc gia trong khu vực như sau: Trung Quốc 4%; Campuchia 4%; Indonesia 4,7%; Malaysia 3,9%; Mông Cổ 6,3%; Lào 3,5%; Philippines 5,3%; Thái Lan 1,6%; và Việt Nam 5,8%...
Trước tình hình trên, báo cáo của WB đề xuất ba hướng chính sách để tăng cường khả năng phục hồi cho khu vực Đông Á - Thái Bình Dương gồm: Tận dụng công nghệ mới để nâng cao năng suất và tạo việc làm (như tại Malaysia và Thái Lan); cải cách nhằm thúc đẩy cạnh tranh, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ (điển hình là Việt Nam); và mở rộng hợp tác quốc tế để củng cố nội lực kinh tế.
Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Manuela V. Ferro đánh giá các quốc gia trong khu vực có cơ hội cải thiện triển vọng kinh tế bằng cách thúc đẩy đầu tư vào công nghệ mới, thực hiện cải cách mạnh mẽ và tăng cường hợp tác quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.