Luận đàm thời sự

Lại thí nghiệm tạo tiền lệ

Đại sứ Trần Đức Mậu 05/07/2024 - 06:28

Bảy tháng sau cuộc bầu cử Quốc hội, Chính phủ mới của Hà Lan đã tuyên thệ nhậm chức và đất nước này lại có một cuộc thí nghiệm chính trị quyền lực mới.

Đã từ lâu, Hà Lan được nhìn nhận như một phòng thí nghiệm chính trị ở châu Âu giúp cho Hà Lan trở thành quốc gia đi tiên phong trên châu lục về nhiều lĩnh vực chính sách khác nhau.

Chẳng hạn, khi xưa, Hà Lan là quốc gia Tây Âu đầu tiên cho phép phụ nữ phá thai. Hà Lan còn là nơi đầu tiên ở châu Âu có lực lượng cánh hữu, cực hữu, dân túy và dân tộc chủ nghĩa trỗi dậy mạnh mẽ đến mức độ trở thành một trong những tác nhân quyết định cục diện quyền lực chính trị ở nước này...

Việc thành lập chính phủ hiện tại ở Hà Lan cũng vậy. Chính phủ này gồm liên minh 4 đảng giữa đảng Tự do Hà Lan theo xu hướng cực hữu, dân tộc chủ nghĩa và bài ngoại với 3 đảng nhỏ hơn. Trong bối cảnh các lực lượng cánh hữu, cực hữu, dân túy và dân tộc chủ nghĩa vừa thắng lớn ở cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) vừa rồi, cuộc thí nghiệm chính trị quyền lực này ở Hà Lan tạo tiền lệ mới.

Và tiền lệ này khích lệ phe cánh ấy trỗi dậy mạnh mẽ hơn nữa, tự tin và quyết tâm hơn nữa trong chủ định vươn lên trở thành phe cầm quyền ở các nơi khác trên châu lục. Phe cực hữu và dân túy ở Pháp hiện ở cách đích này không còn bao xa. Hà Lan có được chính phủ mới đã chấm dứt thời gian dài không thành lập được chính phủ nhưng châu lục lại có những quan ngại sâu sắc.

Chính phủ mới ở Hà Lan không ngần ngại khi tuyên bố công khai rằng, chính sách tị nạn và di cư sẽ "ngặt nghèo và khắc nghiệt nhất" ở châu Âu. Những quy định về bảo vệ môi trường sinh thái sẽ được nới lỏng cho người sản xuất, kinh doanh nông nghiệp ở Hà Lan. Chỉ riêng hai định hướng chính sách này thôi cũng đã đủ để cho thấy xung khắc giữa chính phủ mới ở Hà Lan và Liên minh châu Âu (EU) như thể đã được lập trình sẵn.

Bất đồng quan điểm giữa 4 đảng trong liên minh cầm quyền mới này ở Hà Lan không phải không có mà thậm chí còn rất cơ bản. Tuy nhiên, quyết tâm đưa cánh hữu, cực hữu, dân túy và dân tộc chủ nghĩa lần đầu tiên lên cầm quyền ở Hà Lan và châu Âu để không bầu cử Quốc hội sớm đã buộc 4 đảng này phải thỏa hiệp với nhau. Những quan điểm và yêu cầu quá cực đoan của đảng nào đó đều bị gạt sang bên. Cương vị đứng đầu chính phủ được dành cho người không tham gia đảng phái chính trị nào. Nhưng cũng chính ở đấy tiềm ẩn nguy cơ chính phủ liên hiệp này chỉ có thể có được mức độ ổn định hạn chế.

Sau khi thỏa hiệp để thành lập được chính phủ và chính thức cầm quyền, những bất đồng quan điểm, xung khắc lợi ích giữa 4 đảng trong chính phủ liên hiệp này sẽ dần bộc lộ rồi trở nên gay gắt cùng với quá trình cùng nhau cầm quyền.

Cuộc thí nghiệm chính trị quyền lực mới này của Hà Lan mới chỉ thành công trên phương diện và ở mức độ bản thân nó được tiến hành. Những câu hỏi lớn đặt ra là "hỗn hợp chính trị" này sẽ tồn tại được bao lâu, có làm nên dấu ấn gì không và sẽ là một hướng giải pháp có sức sống lâu dài cho Hà Lan hay chỉ là một chút ngẫu hứng của lịch sử?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lại thí nghiệm tạo tiền lệ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.