Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lãi suất huy động tăng, doanh nghiệp lo lắng

Thanh Hương| 25/10/2018 16:07

(HNMO) - Thời gian vừa qua, lãi suất huy động VND liên tục tăng. Không chỉ ngân hàng thương mại cổ phần nâng lãi suất mà cả ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối cũng nhập cuộc. Với diễn biến như vậy, nhiều doanh nghiệp lo ngại sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới.


Ngân hàng lớn đồng loạt tăng lãi suất

Trong tháng 10, Agribank cùng 3 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối là Vietcombank, Vietinbank, BIDV đồng loạt tăng lãi suất huy động VND với mức 0,1-0,3%/năm, đưa lãi suất phổ biến lên: Kỳ hạn 1-2 tháng là 4,5%/năm; kỳ hạn 6-9 tháng: 5,5%/năm; kỳ hạn 3 đến dưới 4 tháng: 4,8%/năm. Đây là lần thứ 2 liên tiếp trong hơn 2 tháng qua các ngân hàng này tăng lãi suất.

Tại các ngân hàng cổ phần như Techcombank, Eximbank, LienVietPostBank, TPBank..., lãi suất  huy động VND cũng được điều chỉnh tăng. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 1 và 2 tháng là 4,6%; lãi suất 4,7%-5,45%/năm dành cho kỳ hạn 3 tháng; kỳ hạn 6 tháng được hưởng lãi suất 5,6-6,1%/năm.

(ảnh minh họa, nguồn: Internet)


Thực ra, từ tháng 7 lãi suất huy động VND đã rục rịch tăng nhưng gần đây nhiều ngân hàng mới đẩy mạnh tăng lãi suất. Với việc các ngân hàng lớn tham gia, lãi suất nhiều khả năng lên một mặt bằng mới.

Có nhiều nguyên nhân khiến lãi suất huy động đi lên. Theo lãnh đạo một ngân hàng trên địa bàn Hà Nội, họ tăng lãi suất nhằm thu hút vốn vì vào cuối năm nhu cầu vay của doanh nghiệp thường tăng lên.

Một số chuyên gia cho rằng, ngân hàng phải đẩy mạnh huy động vốn bởi đầu năm 2019, quy định về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm xuống từ 45% xuống còn 40% có hiệu lực, tức là các ngân hàng không còn được dùng quá nhiều vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn như trước nên các ngân hàng phải chuẩn bị nguồn vốn từ bây giờ.

Bên cạnh đó, lãi suất tăng là điều khó tránh khỏi khi áp lực lạm phát và tỷ giá tăng khiến ngân hàng tăng lãi suất, nhằm đảm bảo chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi VND và USD ở mức rộng để tiền đồng trở nên hấp dẫn hơn, từ đó hút tiền đồng vào hệ thống ngân hàng.

Dự báo, từ nay đến cuối năm lãi suất huy động VND có thể vẫn còn đợt tăng. Tại một báo cáo mới đây, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động có thể tăng thêm trong thời gian tới, tuy nhiên mức tăng sẽ được giới hạn ở mức không quá nhiều (dưới 0,5%). Việc tăng lãi suất có thể cũng sẽ tập trung ở các kỳ hạn dài khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn bị giảm xuống còn 40%.

Doanh nghiệp lo lắng


Lãi suất huy động VND đi lên được cho là có tác động hai chiều. Thông thường, lãi suất huy động tăng sẽ khiến lãi suất cho vay tăng, tức tín dụng được thắt chặt, làm giảm tín dụng đối với nền kinh tế, giúp Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ kiểm soát được lạm phát. Cũng phải nói thêm, kiểm soát lạm phát là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian qua và từ nay đến cuối năm. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng năm 2018 tăng 3,57% trong khi mục tiêu của năm nay là kiểm soát lạm phát dưới 4%/năm.

Lãi suất huy động tăng cũng có tác dụng ngược với nền kinh tế, đó là hãm đà tăng của nền kinh tế bởi lượng tiền vào nền kinh tế giảm đi. Tăng trưởng kinh tế trong năm nay được dự báo khả quan khi 9 tháng năm 2018, GDP ước tính tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011 trở lại đây. Tuy nhiên, lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng trong năm 2019.

Việc lãi suất huy động tăng khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng. Ông Nguyễn Văn Vẻ, Giám đốc một doanh nghiệp nhỏ và vừa về thiết bị điện cho biết, trước xu hướng tăng lãi suất huy động, doanh nghiệp của ông đã bắt đầu chịu lãi suất cho vay tăng.

“Chúng tôi vay ngân hàng hơn 1 tỷ đồng để nhập khẩu hàng hóa với lãi suất ưu đãi 7,5%/năm trong 3 tháng đầu. Sau 3 tháng, mức lãi suất cho vay sẽ được ngân hàng áp dụng là lãi suất huy động tại thời điểm đó cộng với 3%. 3 tháng đã qua. Từ giữa tháng 10 này, ngoài việc không còn được hưởng lãi suất ưu đãi, chúng tôi còn chịu lãi suất cao hơn khi lãi suất huy động tăng”, ông Vẻ nói.

Sắp tới, doanh nghiệp cần vay một khoản tiền lớn để nhập hàng về bán nhưng với việc lãi suất huy động liên tục tăng trong thời gian qua, ông Trần Văn Hùng, lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh máy trộn và bồn trộn bê tông lo ngại về khả năng lãi suất cho vay đi lên. Nếu vay ngân hàng với số lượng lớn mà lãi suất tăng sẽ đội chi phí của doanh nghiệp, lợi nhuận sẽ giảm đi đáng kể. Vì thế, vị lãnh đạo này đang tính đến nhiều phương án.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh lãi suất có xu hướng tăng, doanh nghiệp cần cơ cấu lại nguồn tài chính, tìm cách kéo dài thời hạn phải thanh toán cho đối tác thương mại, cắt giảm chi tiêu. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lãi suất huy động tăng, doanh nghiệp lo lắng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.