Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lãi suất cho vay “hạ nhiệt”

Đức Anh| 16/09/2011 06:38

(HNM) - Hầu hết các NH đều thừa nhận, chỉ trong khoảng một tuần đưa lãi suất huy động VND xuống 14%/năm, nguồn vốn huy động của các NH đã giảm, song các NH đều đồng thuận sẽ thực hiện nghiêm túc về lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay, giảm khó khăn cho doanh nghiệp (DN)...

Nhà đầu tư làm thủ tục vay tiền tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam
(Maritime Bank).Ảnh: Đàm Duy


Nguồn vốn huy động giảm

Nhìn lại lãi suất trong thời gian gần đây của các NHTM, trần lãi suất 14%/năm mà NHNN đưa ra gần như không có giá trị khi các NH đồng loạt đưa lãi suất huy động lên 17-18%/năm, thậm chí tới 20-21%/năm. Lãi suất đầu vào tăng cao khiến lãi suất cho vay có thời điểm lên đến 24-26%/năm. Theo ông Nguyễn Viết Mạnh, Phó Tổng giám đốc VietinBank, thời gian qua các NH lách trần lãi suất dưới nhiều hình thức để lãi suất huy động vượt qua 14%/năm. NH mất sự minh bạch khi để khách hàng được mặc cả lãi suất. Các NHTM lớn không thể đứng ngoài cuộc nên cũng phải "chạy đua" để đưa lãi suất lên cao. Bà Nguyễn Thị Mai Sương, Giám đốc NHNN chi nhánh Hà Nội thừa nhận, ban đầu các NH thực hiện rất nghiêm quy định về trần lãi suất của NHNN, nhưng sau đó lại phá rào. NHNN chi nhánh Hà Nội cũng tăng cường kiểm tra, nhưng lực bất tòng tâm, bởi lực lượng thanh tra khó có thể "phủ sóng" tới 2.060 điểm giao dịch trên địa bàn.

Tuy nhiên, sau khi NHNN yêu cầu các NHTM giảm lãi suất huy động, cuộc chạy đua ngầm về lãi suất đã chấm dứt, nhưng hầu hết các NH đều thừa nhận nguồn vốn huy động bị giảm. Ông Hàn Ngọc Vũ, Chủ tịch HĐQT VIB cho biết, trong một tuần thực hiện chủ trương của NHNN đưa lãi suất về 14%/năm, nguồn vốn huy động bị giảm 1.000 tỷ đồng. Đại diện Southern Bank cũng cho biết, nguồn vốn gửi tại NH này bị giảm khoảng 200 tỷ đồng trong một tuần qua. Còn theo đại diện Tổng Công ty Tài chính CP Dầu khí (PVFC), có sự dịch chuyển khách hàng và tình trạng khách hàng đến tổ chức tín dụng (TCTD) yêu cầu thỏa thuận lãi suất vẫn xảy ra. Nhiều chuyên gia nhận định, với biên độ lãi suất thu hẹp như thời điểm này, các TCTD phải tính đến trường hợp khách hàng sẽ chú ý đến các kênh đầu tư khác như bất động sản, vàng, chứng khoán… Tuy nhiên, các NH đều đồng thuận đưa lãi suất huy động VND về tối đa 14%/năm để kéo lãi suất cho vay xuống thấp hơn, tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn vay NH.

Tạo sân chơi công bằng

Lãnh đạo các NH trên địa bàn Hà Nội đã chỉ đạo đến từng chi nhánh, phòng giao dịch yêu cầu chấp hành đúng quy định của NHNN về lãi suất huy động. Mới đây nhất, Western Bank đã điều chỉnh mức lãi suất huy động xuống 14%/năm với sản phẩm "Tiền gửi linh hoạt ngày". Các NH khác như ABBANK, SHB, Techcombank… cũng đồng loạt hạ lãi suất huy động xuống 14%/năm. Lãi suất huy động giảm giúp lãi suất cho vay "hạ nhiệt". Sau Maritime Bank, Agribank, BIDV… từ ngày 15-9 Vietcombank điều chỉnh giảm lãi suất cho vay bằng VND. Theo đó, với các đối tượng khách hàng thuộc lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, nông nghiệp, nông thôn được áp dụng mức lãi suất ưu đãi 17-19%/năm. Riêng khách hàng thuộc đối tượng nêu trên hoạt động tại địa bàn TP Hồ Chí Minh được áp dụng mức lãi suất ưu đãi từ 16,5%/năm. Các DN xuất khẩu sử dụng dịch vụ thanh toán qua Vietcombank lãi suất từ 16%/năm. Ngoài ra, Vietcombank còn dành 4.000 tỷ đồng để triển khai chương trình cho vay xuất khẩu thủy sản và cho vay chế biến, xuất khẩu gỗ, với lãi suất 16%/năm. Techcombank cũng tiếp tục hạ lãi suất cho vay từ 19,5%/năm xuống còn 17,9%/năm cho DN có hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Ông Phùng Duy Khương, Phó Tổng Giám đốc Maritime Bank cho rằng, với việc lãi suất được đưa về một mẫu số chung, các TCTD sẽ có một "sân chơi" công bằng, lành mạnh. Xét về dài hạn, việc khống chế lãi suất trần sẽ ngăn ngừa được những nguy cơ rủi ro cho toàn hệ thống khi các NH không còn phải chạy đua lãi suất để giữ chân khách hàng lớn. Và lúc này chất lượng dịch vụ sẽ trở thành yếu tố then chốt trong thu hút khách hàng.

Ông Trần Minh Tuấn, Phó Thống đốc NHNN cho biết, thời gian tới NHNN sẽ xử lý kiên quyết nếu NH nào vi phạm để cải tổ lại hệ thống NH.

Tính đến cuối tháng 8, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD) của Hà Nội đạt 568.535 tỷ đồng, tăng 11,49%, trong đó, dư nợ tín dụng VND tăng 6,94%, ngoại tệ tăng 21,79%. NHNN chi nhánh Hà Nội đã xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền với 43 tổ chức và cá nhân 380 triệu đồng.
Tổng dư nợ tín dụng đạt 568.535 tỷ đồng, tăng 11,49%, trong đó cho vay lĩnh vực phi sản xuất 104.238 tỷ đồng, giảm 1.246 tỷ đồng so với cuối năm 2010. Tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất của hầu hết các NH đều giảm xuống dưới 22%, chỉ có một ngân hàng hơn 22%.
Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của 12 NHTMCP đều dưới 20%, trong đó cao nhất là Sài Gòn-Hà Nội (16,7%), thấp nhất là Tiên Phong (giảm 4,4%). Tỷ lệ nợ xấu của 12 NHTMCP có trụ sở chính tại Hà Nội cao nhất là 2,82%, thấp nhất là 1,19% trên tổng dư nợ.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lãi suất cho vay “hạ nhiệt”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.