Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lãi suất cho vay giảm, doanh nghiệp vẫn không mặn mà

Hà Linh| 07/07/2020 14:10

(HNMO) - Từ đầu tháng 7-2020, nhiều ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu doanh nghiệp có "đủ sức" vay vốn trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19?

3 lần giảm lãi suất

Kể từ đầu tháng 7-2020, hàng loạt các ngân hàng đã công bố giảm lãi suất cho vay. Dẫn đầu là các ngân hàng lớn, như Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank)... Các ngân hàng cổ phần có quy mô nhỏ hơn là Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình (ABBANK), Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPBank)... cũng có động thái tương tự.

Giao dịch tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam.

Như vậy, kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, đến nay, các ngân hàng đã có 3 lần giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng, với mức giảm 2,5 - 3,0%/năm. Mức lãi suất đối với các lĩnh vực ưu tiên cũng đã được kéo xuống còn khoảng 5%/năm đối với ngắn hạn; 7,5 - 8,5%/năm với trung và dài hạn.

Mặc dù các ngân hàng nhiều lần giảm lãi suất, song nhu cầu vay vốn vẫn không tăng do doanh nghiệp khó khăn trong việc tìm đầu ra sản phẩm, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng 6 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng dưới 3%; huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,35% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 6,09%). Tốc độ tăng trưởng huy động vốn cao hơn tốc độ tăng của tín dụng đã phần nào cho thấy tình trạng thừa vốn của ngân hàng.

Cùng với đó, lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng hiện nay chỉ dưới 0,2%/năm. Áp lực vốn thấp khiến lãi suất huy động giảm, kéo theo lãi suất cho vay giảm.

Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, mặc dù lãi suất cho vay giảm là yếu tố tích cực hỗ trợ nền kinh tế hồi phục hậu Covid-19, song, nhìn vào số liệu từ ngành Ngân hàng có thể thấy, sức cầu vốn của nền kinh tế cũng như của thị trường xuất khẩu còn quá yếu.

Doanh nghiệp vẫn ngại vay...

Hiện nay, kinh tế Việt Nam đã bước vào giai đoạn bình thường mới sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhưng dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Do đó, trong giai đoạn này, các doanh nghiệp đều thận trọng với kế hoạch vay vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh vì nhiều thị trường đầu ra sản phẩm chưa mở cửa trở lại.

Theo ông Bùi Danh Lợi, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty EMTC, nhiều đơn hàng xuất khẩu của công ty phải dừng do đối tác ở các nước đang gặp khó khăn, không có khả năng tiếp tục nhận đơn hàng. Do lượng xuất khẩu giảm nên công ty cũng không có nhu cầu vay vốn ngân hàng để nhập nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất.

Ông Nguyễn Bá Lộc, thành viên Hội đồng quản trị Công ty Eliss nhận định, lãi suất đã giảm nhiều so với trước, nhưng thời điểm này, doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn bởi đơn đặt hàng trong nước cũng giảm mạnh, nhất là sau khi xảy ra dịch Covid-19. Đó là chưa kể thủ tục vay vốn ngân hàng đối với những doanh nghiệp nhỏ và vừa không dễ dàng do doanh nghiệp thiếu tài sản bảo đảm.

Cũng có cùng hoàn cảnh, ông Mai Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Nội thất Quỳnh Chi cho biết, công ty chuyên về sản xuất nội thất, nhưng suốt những tháng đầu năm 2020, công ty gần như không nhận được đơn đặt hàng lớn, mà chỉ nhận được một vài đơn lẻ. Do đó, thời điểm hiện nay, ngay cả nếu ngân hàng có giảm mạnh lãi suất hơn nữa, doanh nghiệp cũng không có nhu cầu vay vốn, bởi doanh nghiệp chỉ đang hoạt động "cầm chừng".

Về phía ngân hàng, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho rằng, xu hướng lãi suất thời gian tới sẽ giảm thêm, do tín dụng tăng thấp, các ngân hàng chủ động giảm lãi suất cho vay để cạnh tranh. Trong khi đó, định hướng của Ngân hàng Nhà nước là duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhận định, thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã rất nỗ lực trong việc tiết kiệm chi phí để hỗ trợ doanh nghiệp. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo sát tình hình diễn biến của dịch bệnh để có những chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn với mức lãi suất hợp lý để tháo gỡ khó khăn. Hệ thống ngân hàng cam kết đáp ứng đủ nguồn vốn cho doanh nghiệp và người dân có nhu cầu vay vốn để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lãi suất cho vay giảm, doanh nghiệp vẫn không mặn mà

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.