(HNM) - Sau gần 5 năm triển khai, chính sách giảm tổn thất trong nông nghiệp đã đem lại hiệu quả thiết thực cho nông dân.
Tuy nhiên, số doanh nghiệp và người dân được vay vốn còn hạn chế do trình độ công nghệ lạc hậu, lãi suất tín dụng cho vay cao... Mức tăng trưởng tín dụng về cơ giới hóa chưa đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Thủ tục rườm rà
Theo ông An Văn Khang - Phó Cục trưởng Cục Chế biến, thương mại nông, lâm, thủy sản (Bộ NN&PTNT), triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp trong thời gian khá dài, song doanh nghiệp và người dân vẫn khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để mua máy móc, thiết bị sản xuất. Nguyên nhân là lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước cao, hiện nay là 8,55%/năm, không có sự chênh lệch nhiều so với lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại nên chưa khuyến khích được các tổ chức, cá nhân.
Mặt khác, chính sách hỗ trợ đầu tư mua sắm máy móc chưa gắn với việc hình thành các tổ hợp tác, HTX dịch vụ, đầu tư cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn nên hiệu quả sử dụng ở một số vùng chưa cao, khả năng thu hồi vốn chậm. Ngoài ra, mức độ cơ giới hóa thấp, mới chủ yếu tập trung vào cây lúa, đối với cây trồng khác và chăn nuôi, thủy sản chưa được quan tâm đúng mức cũng là một rào cản. Công nghệ chế tạo máy móc ở trong nước kém phát triển phụ thuộc vào nhập khẩu nên người dân phải mua máy với giá khá cao. Còn ông Đoàn Xuân Hòa - Phó Chủ tịch Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam cho biết, chính sách ban hành tương đối đầy đủ, nhưng cơ chế rườm rà, nông dân, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay, nhất là vay thế chấp. Một số chính sách tín dụng chậm thay đổi nên cũng chưa khuyến khích đầu tư.
Nguồn vốn vay ưu đãi để mua máy móc, thiết bị sản xuất bằng nguồn vốn vay tín dụng hiện nay là 8,55%/năm. Ảnh: Bá Hoạt |
Từ thực tế của địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - Phạm Trường Thọ cho biết, nhiều nông dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa nắm bắt đầy đủ thông tin, nhất là đầu mối để liên hệ cũng như quy trình, hồ sơ thủ tục cần thực hiện để được hưởng chính sách ưu đãi. Lực lượng lao động qua đào tạo nghề ở nông thôn còn thấp là một trong những trở ngại trong ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp... Theo đại diện Công ty TNHH Kubota Việt Nam, tính đến tháng 6-2015, công ty mới bán được 2.079 máy các loại theo Quyết định 68 của Chính phủ về hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, nhưng việc áp dụng các chính sách gặp khó khăn như: Ruộng đất manh mún, nhỏ lẻ nên tâm lý nông dân chưa mạnh dạn đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất. Theo nội dung của Quyết định 68, nhà nước không giới hạn triển khai cho riêng bất cứ ngân hàng nào, nhưng đến nay chỉ có Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chấp nhận cho nông dân vay vốn…
Tập trung tháo gỡ vướng mắc
Để thực hiện mục tiêu đến năm 2020, giảm 50% tổn thất đối với các loại nông sản, thủy sản, nhiều ý kiến cho rằng, các bộ, ngành cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng, hợp tác công - tư, đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm kết hợp với các nhà khoa học để thực hiện dự án bảo quản giảm tổn thất sau thu hoạch. Thường xuyên khảo sát, điều tra, đánh giá mức độ tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản.
Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước đánh giá chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp, tổ chức kiểm tra, giám sát, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Quyết định 68 tại các địa phương. Rà soát, xem xét để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục mở rộng một số danh mục máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp có tiềm năng, lợi thế. Bộ Tài chính cần xem xét điều chỉnh lãi suất cho vay tín dụng đầu tư cho phù hợp nhằm thúc đẩy sản xuất, để chính sách đi vào thực tiễn có hiệu quả; giảm hàng rào thuế quan đối với các loại máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp...
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, các bộ ngành cần tập trung tháo gỡ những vướng mắc hiện nay trong việc thực hiện Quyết định 68 để người dân và doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi đưa vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản khi xuất khẩu. Các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách về nông nghiệp, nông thôn đến người dân.
Việc hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng, có cơ chế, chính sách cho quy hoạch đồng ruộng để thuận lợi đưa máy móc, thiết bị vào sản xuất cũng phải được tăng cường. Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh máy, thiết bị nông nghiệp phối hợp với các địa phương, hội nông dân giới thiệu hướng dẫn các loại máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.