(HNM) - Trong một nghiên cứu vừa được đăng tải trên Tạp chí Nature Communications, giới khoa học đã một lần nữa cảnh báo, các hệ sinh thái lớn của trái đất đang thay đổi nhanh hơn những gì con người có thể dự báo và nếu không hành động khẩn cấp, tình hình sẽ chỉ tồi tệ hơn. Một trong những hệ sinh thái được nhắc tới nhiều là rừng Amazon. Khu rừng nguyên sinh này có thể mất tới 35% diện tích, đe dọa đến cuộc sống của con người.
Mất tới ít nhất 58 triệu năm hình thành và phát triển, rừng Amazon trải dài trên lãnh thổ của 7 quốc gia với tổng diện tích hơn 5 triệu kilômét vuông và là sinh kế cho hàng chục triệu người. Tuy nhiên, kể từ năm 1970, khoảng 20% diện tích của khu rừng lớn nhất thế giới này bị phá bỏ, nhường chỗ cho các hoạt động khai thác gỗ, sản xuất đậu tương, dầu cọ, nhiên liệu sinh học và chăn nuôi bò. Trước thực trạng đáng lo ngại này, Giám đốc khoa học Alexandre Antonelli tại Vườn bách thảo Hoàng gia Anh nhận định, nếu không hành động khẩn cấp ngay bây giờ, nhân loại có thể sẽ không còn khu rừng nhiệt đới lớn nhất và đa dạng sinh học bậc nhất thế giới.
Các cánh rừng trên toàn cầu - đặc biệt là rừng nhiệt đới - hấp thụ từ 25 đến 30% lượng CO2 do con người thải ra ngoài bầu không khí từ các hoạt động sản xuất, khai thác và sinh hoạt thường ngày. Tuy nhiên, sự tàn phá của con người và thiên tai đang đẩy các cánh rừng, trong đó có Amazon trước tình trạng vô cùng nguy cấp. Các nhà khoa học cảnh báo, việc mất thêm 20% diện tích rừng nhiệt đới sẽ kích hoạt hiện tượng “chết ngược”. Khi đó, cây rừng sẽ chết khô dần từ lá hoặc rễ do hệ sinh thái bị xáo trộn đến mức không còn phù hợp để sống. Rừng rậm Amazon có thể chết mòn mà không sự can thiệp nào của con người có thể cứu vãn. Khi vượt khỏi giới hạn này, Amazon có nguy cơ trở thành những trảng cỏ khô cằn, không đủ khả năng duy trì môi trường sống cho gần 3 triệu loài động, thực vật nơi đây. Nếu điều này trở thành hiện thực, Amazon sẽ không còn là "lá phổi" của địa cầu.
Một nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng các khu rừng nhiệt đới trên thế giới đang nhanh chóng mất đi khả năng hấp thụ khí CO2 thải ra chủ yếu từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch - nguyên nhân khiến trái đất ấm lên. Dự báo, công suất hấp thụ khí CO2 của các khu rừng châu Phi sẽ giảm 14% vào năm 2030 và với Amazon, tỷ lệ này sẽ là 0% vào năm 2035. Đến lúc đó, các cánh rừng có nguy cơ bước vào “chu trình ngược”, thay vì thu nạp chuyển thành nguồn nhả khí CO2 và làm tăng tốc quá trình biến đổi khí hậu. Đây sẽ là kịch bản thảm họa đối với thế giới. Không những giải phóng một lượng khí thải khổng lồ vào khí quyển, lượng hơi nước dồi dào từ Amazon cũng biến mất theo những cánh rừng nhiệt đới làm giảm khả năng của bầu khí quyển hấp thụ phóng xạ từ mặt trời.
Bằng cách thải quá nhiều CO2 vào không khí, con người đang góp phần tăng tốc việc rút ngắn chu kỳ sống của cây. Giới khoa học cảnh báo, các trường hợp được gọi là “những biến đổi hệ thống” nói trên sẽ dẫn tới nhiều hậu quả thảm khốc đối với nhân loại và các loài khác trên thế giới cùng chia sẻ môi trường sống với con người.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.