Công nghiệp văn hóa

Kỳ vọng vào sự ra đời của mô hình Quỹ hỗ trợ văn hóaBài học thành công từ Rabat

Quỳnh Dương 27/08/2023 17:38

Nằm trên bờ Đại Tây Dương ở phía Tây Bắc Morocco, Rabat là thành phố có sức cuốn hút đặc biệt nhờ sự giao thoa giữa các nền văn hóa châu Âu, châu Phi và Arab. Trong bối cảnh hội nhập và phát triển không ngừng, Rabat vẫn giữ được những không gian văn hóa di sản hình thành từ nhiều thế kỷ trước.

Có được điều này một phần là nhờ Quỹ bảo vệ di sản văn hóa của thành phố.

6e15bf234ce49ebac7f5.jpg
Tháp Hassan được xây dựng từ thế kỷ XII được xem là một trong những biểu tượng nổi tiếng của Rabat.

Được thành lập năm 1146 với chức năng như một pháo đài toàn diện để phát động các cuộc tấn công mở rộng lãnh thổ vương triều Almohad của El Mehdi Ibn Toumart trên bán đảo Iberia, Rabat từng có thời gian phát triển hưng thịnh. Song, sau sự sụp đổ của triều đại Almohad, thành phố này bước vào thời kỳ suy tàn. Đầu thế kỷ XVII, Rabat là “thiên đường” cho những tên cướp biển Barbary cho đến khi người Pháp thiết lập chế độ bảo hộ ở Morocco vào năm 1912, biến Rabat trở thành một trung tâm hành chính. Đến năm 1955, khi Morocco độc lập thì Rabat trở thành thủ đô của đất nước.

Trải qua thăng trầm lịch sử và ảnh hưởng của các nền văn hóa châu Phi, Arab và Pháp, Rabat vẫn giữ được nhiều di sản văn hóa, lịch sử như là minh chứng cho từng thời kỳ mà thành phố đã trải qua, ví dụ như các thành lũy và cổng Almohad, nhà thờ Hồi giáo Hassan, lăng mộ vua Mohammed V... Năm 2012, để công nhận giá trị phổ quát và độc đáo của thành phố này, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã trao cho Rabat danh hiệu "Thủ đô hiện đại và thành phố thanh lịch: Một di sản được chia sẻ".

Đây cũng là một phần thành quả của quá trình quản lý và cách tiếp cận chủ động, đúng đắn đối với di sản mà Morocco đã thực hiện trong nhiều năm. Quỹ bảo vệ di sản văn hóa của Rabat được lập ra dưới sự điều hành của công chúa hoàng gia Lalla Hasnaa, nhằm tiếp nối thành tựu mà chính quyền đã đạt được trong nhiều năm qua.

Với mục tiêu duy trì, quảng bá và phát huy các giá trị lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, cảnh quan di sản vật thể và phi vật thể của Rabat, Quỹ đã đề ra chương trình hoạt động đầy tham vọng nhằm huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học để thống kê, phân tích tình trạng di sản, lập kế hoạch bảo tồn, quản lý phù hợp và xây dựng các dự án để nâng cao nhận thức cho công chúng về tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản.

Sứ mệnh cụ thể được Quỹ bảo vệ di sản văn hóa của Rabat được xác định gồm: Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, bảo tồn, trùng tu, tôn tạo; nâng cao nhận thức của các tổ chức và các bên liên quan trong thực hiện các chiến lược bảo vệ di sản; thực hiện các chiến dịch quảng bá di sản văn hóa thông qua việc tổ chức các sự kiện văn hóa - xã hội; ký kết các thỏa thuận hợp tác với Nhà nước, tổ chức trong và ngoài nước để tài trợ cho các hoạt động bảo vệ di sản; đánh giá định kỳ - ít nhất mỗi năm một lần - về tình hình bảo tồn di sản văn hóa...

Một trong những hoạt động mang lại hiệu quả đáng chú ý mà Quỹ thực hiện gần đây là dự án “Khám phá di sản của tôi”, có sự phối hợp của Bộ Giáo dục, Bộ Thanh niên, Văn hóa và Cộng đồng Morocco cùng UNESCO. Giai đoạn thí điểm của dự án được triển khai tại 62 trường trung học cơ sở ở Rabat trong năm học 2021 - 2022.

Với các giờ học thú vị được đưa vào xen kẽ trong chương trình đào tạo chính, “Khám phá di sản của tôi” được kỳ vọng sẽ khơi gợi và truyền cảm hứng cho những người trẻ về công tác bảo tồn di sản văn hóa ở Rabat. Cùng với việc phân phát bộ tài liệu cho giáo viên, học sinh và đăng tải trên trang web trường học, chương trình còn bao gồm một số hoạt động như hội thảo, tham quan có hướng dẫn, nghiên cứu và làm các bài tập được các nhà giáo dục và chuyên gia di sản xây dựng.

Ông Lazare Eloundou Assomo, Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới của UNESCO cho biết: "Những nỗ lực của Quỹ bảo vệ di sản văn hóa của Rabat nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh ở thành phố này đáng được đánh giá cao vì chúng giúp các em nhận thức được tầm quan trọng của di sản thế giới, hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa và quá trình hình thành những “báu vật” của nhân loại. Bộ tài liệu được sử dụng trong dự án sẽ được quảng bá và nhân rộng bởi đây là một công cụ sư phạm tuyệt vời dành cho các giáo viên mong muốn đào tạo những người trẻ tuổi trở thành những người bảo vệ di sản thế giới trong tương lai".

Ngoài dự án “Khám phá di sản của tôi”, Quỹ bảo vệ di sản văn hóa của Rabat còn triển khai nhiều dự án khác như “Tôi vẽ di sản của mình” - nhằm nuôi dưỡng tình yêu của trẻ với di sản thông qua nghệ thuật hội họa; chương trình “Số hóa di sản” nhằm thúc đẩy số hóa các dữ liệu di sản, thúc đẩy cách tiếp cận của người dân với di sản thông qua nền tảng số... Theo các nhà chức trách của Rabat, ý thức bảo tồn và phát huy di sản thể hiện sự trân trọng đối với văn hóa và lịch sử, góp phần vào quá trình phát triển bền vững của thành phố trong tương lai.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kỳ vọng vào sự ra đời của mô hình Quỹ hỗ trợ văn hóa Bài học thành công từ Rabat

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.