Văn hóa

Kỳ vọng vào sự ra đời của mô hình quỹ hỗ trợ văn hóa: Động lực để hội tụ các nguồn lực nội sinh

Hà An 27/08/2023 - 15:37

Đối với văn nghệ sĩ và lực lượng sáng tạo ở Thủ đô, mô hình quỹ hỗ trợ văn hóa luôn là điều được trông đợi. Vì vậy, nội dung “Cho phép thành lập Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô” tại điều 23 của dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi thực sự là một điểm mới quan trọng, thu hút được sự quan tâm trao đổi của nhiều người.

Mô hình này được đánh giá là có ý nghĩa tạo động lực bứt phá với Hà Nội - thành phố đang nỗ lực thực hiện cam kết “Thành phố sáng tạo của UNESCO”.

z4384983114686_fafa50a90a73.jpg
Sự ra đời Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô sẽ tạo động lực thúc đẩy công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hiền

Cơ chế đặc thù, tiếp sức cho văn hóa

Văn học - nghệ thuật (VHNT) được Đảng ta xác định là “lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa...; là một trong những động lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”. Lâu nay, về cơ bản, các hoạt động của Hội Liên hiệp VHNT thành phố Hà Nội được duy trì nhờ nguồn ngân sách nhà nước, thông qua 9 hội chuyên ngành. Dự toán ngân sách năm 2023 cho Hội là gần 12,8 tỷ đồng, ngoài chi cho các hoạt động nghiệp vụ, vận hành bộ máy thì tập trung cho mở trại sáng tác, đi thực tế, điền dã, triển lãm...

Tuy nhiên, thực tế sôi động của đời sống VHNT nói riêng, văn hóa nói chung của một Thủ đô luôn đòi hỏi những cơ chế đặc thù, nguồn lực dồi dào để không ngừng đáp ứng sức sáng tạo ở vùng văn hóa lớn và có nhiều nét đặc biệt. Các hoạt động văn hóa tầm quốc gia, thành phố, địa phương trải rộng khắp các địa bàn của Thủ đô, từ trung tâm đô thị đến ngoại thành đều có dấu ấn các nguồn ngân sách của nhà nước, các nguồn quỹ văn hóa của nước ngoài, nguồn xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân... Nhiều dự án là kết quả hợp tác của nhiều bên nhằm không chỉ sáng tạo mà còn duy trì thành quả sáng tạo trong đời sống.

Có thể kể nhiều ví dụ chứng minh cho điều nói trên, từ dự án quy mô quốc gia như bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long đến các dự án khiêm tốn hơn như không gian bích họa Phùng Hưng, dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân ở quận Hoàn Kiếm, dự án bảo tồn và phát triển du lịch làng Cựu ở huyện Phú Xuyên, dự án bảo tàng cộng đồng gốm sứ Kim Lan ở huyện Gia Lâm... Tất cả đều phải đối mặt với thách thức tìm kiếm nguồn lực để bảo tồn, sáng tạo, phát huy giá trị.

Vì vậy, nội dung “Cho phép thành lập Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô” trong Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi thực sự là một động thái quan trọng có tính luật hóa, một trong những chỉ dấu của việc thực hiện cơ chế đặc thù đối với văn hóa vì sự phát triển bền vững của thành phố Hà Nội.

Trong số 2 chương và 32 điều được bổ sung trong Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi thì điều 23 về “Bảo vệ và phát triển văn hóa” được kế thừa từ điều 11 về “Bảo tồn và phát triển văn hóa” của Luật Thủ đô 2012. Trong đó, mục 4 điều 23 là mục mới hoàn toàn với nội dung: “Cho phép thành lập Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách để đầu tư cho nghiên cứu, bảo vệ di sản văn hóa, hỗ trợ hoạt động giáo dục, quảng bá và sáng tạo dựa trên di sản văn hóa Thủ đô”.

Cùng với đó là mục 5, trong đó nêu rõ các quy định về hoạt động của Quỹ như nguồn thu của Quỹ được hình thành từ phần hỗ trợ vốn điều lệ từ ngân sách thành phố Hà Nội; nguồn thu từ việc khai thác di sản văn hóa theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội; nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện, vốn ủy thác của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; các nguồn tài chính hợp pháp khác ngoài ngân sách nhà nước.

Nhiệm vụ chi cũng được xác định là hướng đến các dự án hoặc hoạt động phi dự án liên quan đến nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa; hỗ trợ hoạt động giáo dục, quảng bá và sáng tạo dựa trên di sản văn hóa Thủ đô ngoài nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước...

Có thể nói, việc đưa vào dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi nội dung về thành lập Quỹ là phù hợp với chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa đất nước, thành phố. Sự vận hành của Quỹ sẽ tạo thành trục kết nối các tổ chức, đơn vị, cá nhân vì một mục tiêu chung là bồi đắp “nền tảng tinh thần cho xã hội”, đặc biệt là cho mục tiêu phát triển bền vững trên nền tảng Thành phố sáng tạo của Hà Nội.

505e740afbc3299d70d2-1-.jpg
2c87661fc1d613884ac7.jpg
Bảo tàng cộng đồng gốm sứ Kim Lan được thành lập nhờ nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân Nhật Bản, qua sự kêu gọi của Tiến sĩ khảo cổ học Nishimura Masanari. Trong ảnh: Các nhà khoa học và người dân đang sắp xếp lại hiện vật, chuẩn bị mở cửa trở lại sau một thời gian không có điều kiện vận hành.

"Bà đỡ" liệu có mát tay?

Mỗi mô hình quỹ hỗ trợ văn hóa nói chung đều phải đảm bảo hai yếu tố, đó là có nguồn lực và phương thức vận hành chuyên nghiệp. Tính chuyên nghiệp, sự công khai, minh bạch và một nguồn tài chính dồi dào là yêu cầu tất yếu cho sự tồn tại và hiệu quả hoạt động của bất kỳ một tổ chức quỹ nào.

Đã có một số ý kiến đóng góp về nội dung dự thảo này, như PGS.TS Phạm Thị Thu Hương (Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa) nêu: “Chỉ nên đặt tên ngắn gọn là Quỹ văn hóa Thủ đô, bởi lẽ, chữ “văn hóa” ở đây được hiểu là lĩnh vực văn hóa, bao gồm các hoạt động: Bảo vệ di sản văn hóa, phát huy giá trị di sản văn hóa, sáng tạo văn hóa, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, tái thiết khu nội đô và các hoạt động khác thuộc về văn hóa”. Có ý kiến khác cho rằng, cần nhấn mạnh đến nội dung đầu tư cho sáng tạo của Quỹ bởi tính chất của một thành phố đã gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Tuy nhiên, cơ bản, dù dưới tên gọi nào thì đích chung vẫn là: Nếu mô hình quan trọng này đi vào cuộc sống thì phải làm thế nào để thực hiện tốt vai trò tiếp sức cho văn hóa. Đó là điều cần quan tâm bởi hiện nay, nhu cầu tổ chức các hoạt động bảo tồn di sản và phát triển văn hóa ở Thủ đô là rất lớn, chưa kể nhiều di sản phải chạy đua với thời gian để có thể ở lại với cộng đồng.

Không ít nghệ sĩ từng bày tỏ, chúng ta nên nhìn nhận, học tập kinh nghiệm của nhiều nước tiên tiến, có lịch sử tương đồng với Việt Nam, ví dụ như Hàn Quốc. Sự phát triển của văn hóa Hàn Quốc, với đường lối chiến lược rõ ràng của chính phủ, trong đó có mô hình Quỹ hỗ trợ văn hóa, đã tạo nên một nền điện ảnh, âm nhạc hiện đại với những thành tựu to lớn, góp phần tạo dựng quyền lực mềm cho đất nước.

Bên cạnh đó, Hà Nội có thể học tập các mô hình quỹ của các thành phố khác đi trước như Quỹ Bảo tồn di sản Huế. Đây là quỹ quốc gia, được Chính phủ thành lập và ban hành Quy chế hoạt động theo Nghị định 84/2022/NĐ-CP ngày 20-10-2022 và giao cho UBND tỉnh Thừa Thiên Huế quản lý. Mục tiêu là huy động nguồn lực để đầu tư cho công tác trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế và đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được ngân sách nhà nước bố trí kinh phí hoặc bố trí kinh phí chưa đủ. Sau khi đi vào hoạt động, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có đề xuất dùng nguồn quỹ này để hỗ trợ việc hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”.

Qua nhiều diễn đàn, thấy rõ mô hình Quỹ hỗ trợ cho hoạt động văn hóa Thủ đô được kỳ vọng là động lực để biến di sản văn hóa Thủ đô Hà Nội trở thành nguồn lực nội sinh, hội tụ các không gian sáng tạo, thu hút đầu tư từ các nguồn xã hội hóa để phục vụ cho công tác nghiên cứu, bảo tồn di sản, phát triển công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, từ việc ra đời, hoàn thiện tổ chức tới vận hành hiệu quả mô hình Quỹ trong đời sống là một chặng dài đòi hỏi sự nỗ lực, sự hợp tác chặt của nhà nước, nhà đầu tư, nhà sáng tạo.

Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa (11-2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ các nhiệm vụ, trong đó có nội dung: Phải quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại. Phát triển "sức mạnh mềm" của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia trong thời gian tới.

Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam, ngày 25-7-2023 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn luôn khuyến khích mọi sự tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo của người nghệ sĩ, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với VHNT và văn nghệ sĩ phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Rõ ràng, Quỹ Bảo tồn di sản và phát triển văn hóa Thủ đô không phải là câu chuyện về một mô hình đơn lẻ, mà là vấn đề lớn liên quan tới sự hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cho thành phố nhằm thúc đẩy văn hóa như một trụ cột của sự phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ vọng vào sự ra đời của mô hình quỹ hỗ trợ văn hóa: Động lực để hội tụ các nguồn lực nội sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.