(HNM) - Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã thành công tốt đẹp! Với tinh thần đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới, Đại hội đã thảo luận, quyết nghị những vấn đề hết sức hệ trọng đối với vận mệnh dân tộc, vận mệnh đất nước và với bản thân Đảng ta và chế độ ta. Tương lai của dân tộc thêm sáng rõ, đích đến phía trước càng sắc nét định hình, một thế hệ lãnh đạo mới giàu bản lĩnh, trí tuệ được tín nhiệm giữ vai trò dẫn dắt con thuyền đất nước. "Một thời kỳ phát triển mới vẻ vang, tốt đẹp đã mở ra, dân tộc Việt Nam vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội" là tinh thần xuyên suốt của Nghị quyết Đại hội XII hàm chứa khát vọng của cả dân tộc và cũng là một tất yếu của lịch sử.
Đại hội XII của Đảng đã làm sáng rõ nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn trên con đường xây dựng xã hội, xã hội chủ nghĩa, trong đó có những bước phát triển mới trong nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một nội dung quan trọng trong đường lối đổi mới của Đảng. Kể từ Đại hội VI, quan điểm về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không ngừng được phát triển và hoàn thiện, đến Đại hội XII, Đảng ta đã thống nhất nhận thức: Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Nền kinh tế thị trường "có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế..." là cơ sở kinh tế của xã hội quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và không có một nền kinh tế nào khác có thể đảm nhiệm vai trò này. Đây chính là sự khẳng định từ thực tế Việt Nam về vai trò của kinh tế thị trường trong tiến trình phát triển của nhân loại. Đồng thời gợi mở những vấn đề lớn về hình thái kinh tế, về nguyên lý phát triển từ những điểm nhìn mới sau sự tan rã của Liên bang Xô Viết và sự sụp đổ của mô hình xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu.
Cùng với việc thống nhất nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Đảng ta khẳng định đường lối đối ngoại của đất nước trong kỷ nguyên hội nhập và phát triển là: Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế,... nhằm phục vụ mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước…
Trong xu hướng toàn cầu hóa của một thế giới đa cực, các quốc gia đều phải đối mặt những thách thức chưa từng có và thực tế không một siêu cường nào có thể đơn phương giải quyết những vấn đề của nhân loại thì sự kết hợp đa tầng nấc với nhiều hình thức liên kết là đòi hỏi mang tính thời đại. Hội nhập sâu rộng với thế giới Việt Nam không thể đứng ngoài "luật chơi" của các tổ chức quốc tế, các khu vực liên kết. Nếu không kết hợp được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chúng ta không thể thúc đẩy các quan hệ kinh tế và cũng không thể đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mặt khác, nếu không có nền hòa bình làm nền tảng thì dân không thể giàu, nước không thể mạnh, Việt Nam không có vị thế để sòng phẳng trong "luật chơi" của nhân loại. Do vậy, tiếp tục đưa các mối quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong một kế hoạch tổng thể với lộ trình hợp lý phù hợp với lợi ích của đất nước là mục tiêu, nhiệm vụ, cũng là đòi hỏi tất yếu trong tiến trình hội nhập và phát triển của đất nước.
Một điều căn cốt làm nên sức mạnh Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh di huấn cho toàn Đảng, toàn dân ta là: "Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân". Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong bối cảnh mới, Đại hội lần thứ XI của Đảng khẳng định: Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng; xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung… để tập hợp, đoàn kết mọi người vào mặt trận chung, tăng cường đồng thuận xã hội.
Nhất quán trong đường lối, chủ trương, Đảng ta tiếp tục phát triển quan điểm đại đoàn kết toàn dân tộc phù hợp với thực tế tiến triển, vận động của đời sống xã hội. Từ "chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung", Đại hội XII của Đảng khẳng định: "Tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc". Đồng thời Đảng ta chỉ rõ: "Đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân".
Phát huy cao nhất vai trò của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước, Đảng ta khẳng định: "Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc". Quan điểm này đã được thể hiện rất rõ trong quá trình tiến hành công tác nhân sự Đại hội XII của Đảng.
Tại Đại hội XII của Đảng, nhiều đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI còn sức khỏe, đầy nhiệt huyết và kinh nghiệm công tác, song đã không ứng cử vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, tạo điều kiện để trẻ hóa, bổ sung lực lượng mới vào cơ quan lãnh đạo của Đảng trong nhiệm kỳ mới. Đây là nghĩa cử cao đẹp, đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm vì mục tiêu chung của Đảng, của dân tộc. Cùng với đó, việc chuẩn bị nhân sự một cách bài bản, chặt chẽ thấu đáo từ quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, luân chuyển, đào tạo, đánh giá… đến giới thiệu ứng cử viên với Đại hội và kết hợp các ý kiến của đại biểu tại Đại hội để đưa vào danh sách bầu cử, cho thấy tinh thần dân chủ, trách nhiệm trong việc chọn lựa người có đức, có tài gánh vác việc dân, việc nước. Và tinh thần ấy đã tạo ra sự đồng thuận làm nên dấu ấn đặc biệt của Đại hội lần này. Tại Đại hội XII việc bầu đủ số lượng 200 Ủy viên Ban Chấp hành (trong đó có 20 Ủy viên dự khuyết), bầu 19 Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra… đều tiến hành 1 lần là xong. Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương đều được trẻ hóa. Một guồng máy mới đủ đầy, mạnh mẽ với nhiều nhân tố mới được hình thành từ tinh thần đoàn kết, dân chủ chắc chắn sẽ đủ sức gánh vác sứ mệnh lớn lao của 4,5 triệu đảng viên và nhân dân trao gửi, đưa Việt Nam đến tương lai tươi sáng.
Đại hội XII của Đảng đã thể hiện tinh thần đoàn kết trong Đảng với đúng nghĩa là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, để phát huy cao độ sức mạnh Việt Nam. Tinh thần của Đại hội XII đang lan tỏa cùng mùa xuân ấm áp tạo nên động lực mới đưa đất nước tiến nhanh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa hướng tới "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" như kỳ vọng từ mỗi đáy tim mang dòng máu Lạc Hồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.