Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kỳ vọng của người dân

Hoàng Thu Vân| 20/05/2014 05:55

(HNM) - Hôm nay, kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII chính thức khai mạc với thời gian dự kiến diễn ra hơn một tháng (từ ngày 20-5 đến ngày 24-6-2014).



Có thể nói, dù diễn ra theo định kỳ nhưng thời gian qua dư luận xã hội ngày càng dành sự quan tâm đặc biệt tới các kỳ họp Quốc hội và đây thực sự trở thành một sự kiện chính trị quan trọng hàng đầu của đất nước. Điều đó có nghĩa là chất lượng của các kỳ họp Quốc hội ngày càng được nâng cao và tại diễn đàn này, những vấn đề liên quan trực tiếp tới đời sống dân sinh, tới sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đã được đưa ra phân tích, bàn thảo một cách kỹ lưỡng để từ đó tìm ra những biện pháp giải quyết phù hợp.

Và người dân mong chờ, kỳ vọng vào từng kỳ họp Quốc hội bởi lợi ích của từng cá thể và của cộng đồng. Nói cách khác, cử tri cả nước mong muốn tại từng kỳ họp Quốc hội, các đại biểu của nhân dân phát huy trách nhiệm và khả năng trí tuệ để làm cho cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất thực hiện tốt 3 chức năng chủ yếu là: Lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, nhằm thúc đẩy sự nghiệp đổi mới, cải thiện và nâng cao đời sống dân sinh. Đây cũng chính là sức ép đối với các kỳ họp Quốc hội và đặt lên vai các đại biểu Quốc hội trọng trách hết sức nặng nề.

Ở khía cạnh khác, như đánh giá của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, qua từng kỳ họp những kiến nghị của cử tri không chỉ tăng lên về số lượng (nếu như kỳ họp thứ sáu có gần 1.800 ý kiến thì kỳ họp này là trên 2.200 ý kiến), mà chất lượng kiến nghị của cử tri đã nâng lên rõ rệt. Điều đó cho thấy người dân đặc biệt quan tâm, theo dõi sát sao tình hình thời sự của địa phương, đất nước, đồng thời ngày càng thể hiện rõ trách nhiệm đối với công tác giám sát. Vì vậy, những kiến nghị của cử tri không còn ở tầm vĩ mô, chung chung mà hết sức sát thực, cụ thể, liên quan trực tiếp tới lợi ích của số đông trong xã hội hoặc là những bất cập đối với từng vấn đề, lĩnh vực chưa được các bộ, ngành và các cấp chính quyền quan tâm giải quyết thỏa đáng.

Lấy ví dụ, tại Hà Nội, qua 31 cuộc tiếp xúc cử tri đã có tới trên 300 ý kiến về các vấn đề dân sinh bức xúc như tình trạng thiếu trường học; cơ sở y tế chật hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh; những bất hợp lý của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ người dân mua nhà ở xã hội; việc nợ đọng bảo hiểm xã hội; tình trạng quy hoạch "treo", quy hoạch thiếu tầm nhìn; thất thoát, lãng phí… Ý kiến của các cử tri không chỉ tập trung phản ánh những bất cập, yếu kém đang tồn tại mà còn đưa ra cả những biện pháp, giải pháp khắc phục, điều đó thể hiện sự nghiêm túc, thẳng thắn và tinh thần trách nhiệm cao của công dân đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Nhân kỷ niệm 124 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lại nhớ tới lời Người từng dạy, dân chúng không chỉ đông đảo mà còn rất tài tình, sáng suốt, biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra… Chính đó là cơ sở, là nền tảng để Người khẳng định: "Làm việc gì cũng phải có quần chúng. Không có quần chúng thì không thể làm được... Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong".

Từ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể thấy, giải quyết thấu đáo các kiến nghị của cử tri, thực hiện những kỳ vọng của người dân trông đợi vào từng kỳ họp Quốc hội cũng chính là phát huy cao độ trí tuệ và sức mạnh của quần chúng nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ vọng của người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.