(HNM) - Hiện nay, nhiều giống táo năng suất, chất lượng cao được trồng ở ngoại thành Hà Nội, nhưng phổ biến vẫn là các giống táo của Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan...
Tránh trồng ở nơi bị ứ đọng nước, nên trồng ở những nơi đất tơi xốp, đủ nước tưới, có nhiều chất mùn. Trồng cây táo đúng kỹ thuật phải đào hố, bón lót trước khi trồng. Nên bón nhiều phân chuồng, bởi cây táo bén rễ nhanh. Rễ cây táo có thể ăn sâu tới hơn 1m, lan rộng gấp 5 đến 6 lần đường kính tán lá. Muốn cây phát triển tốt thì nên bỏ đi hoặc bỏ bớt số quả lứa đầu để tập trung dinh dưỡng cho cây phát triển. Từ năm thứ hai, cây táo sẽ cho năng suất cao nhưng phải cung cấp đủ phân, nước tưới.
Cách bón phân cho cây táo: Bón 2/3 lượng phân cần bón tập trung khi cây vừa thu hoạch; còn 1/3 sẽ bón vào lúc cây bắt đầu ra hoa. Phải đào rãnh quanh gốc cây táo để bỏ phân, sau đó lấp lại. Ngoài ra, để cây táo tăng năng suất cao cần khoanh vỏ; lưu ý phải chọn thời điểm hoa táo ra rộ, dò từ trên ngọn xuống, tới chỗ nào cành cho hoa ít hoặc không ra hoa thì ta tiến hành khoanh vỏ. Khoanh lớp vỏ rộng khoảng 2cm quanh thân cây táo, như vậy đã cắt đường vận chuyển nhựa luyện từ trên lá xuống phần gốc, lúc này, chất dinh dưỡng dồn cả vào các cành mang hoa, cây sẽ nhiều quả hơn... Mặt khác, do tiếp nhận nhiều dưỡng chất nên quả táo sẽ to hơn, thậm chí, to gấp rưỡi quả ở cành không được khoanh vỏ. Năng suất của cây táo sẽ tăng lên gấp rưỡi hoặc gấp đôi. Lúc này, điều cần lưu ý nhất là phải chống cho cành, bởi quả quá nhiều, to hơn nên cành cây táo rất dễ gãy, nhất là mùa mưa bão.
Sau khi thu hoạch cần tiến hành đốn cây táo. Lưu ý, điểm đốn phải nằm ở phía dưới của nơi đã khoanh vỏ. Làm đúng như vậy, sẽ có những vụ táo bội thu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.