(HNMO) - Ngày 2-12, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) thông tin đến đại diện các cơ quan truyền thông về kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 năm 2021 với chủ đề: “Nâng cao nội lực, sức mạnh nội sinh bằng sức mạnh của kỹ năng nghề”.
Theo kế hoạch, kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia có 35 nghề, gồm 29 nghề chính thức, 6 nghề trình diễn, thu hút khoảng 600 thí sinh tham gia. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong thời gian dài, nên sau nhiều lần lùi thời gian thi, Ban tổ chức kỳ thi quyết định tổ chức thi theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 diễn ra từ ngày 2 đến 12-12-2021 với 14 nghề (11 nghề thi theo hình thức trực tuyến và 3 nghề thi theo hình thức trực tiếp). Giai đoạn 2 gồm 21 nghề, thi theo hình thức trực tiếp, dự kiến diễn ra từ ngày 15-4 đến 26-4-2022.
Các môn thi diễn ra giai đoạn 1 có 163 thí sinh tham gia tranh tài. Trong đó, hình thức thi trực tuyến sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, điện toán đám mây, dữ liệu lớn (big data)..., bảo đảm sự kết nối và an toàn, an ninh dữ liệu, tạo điều kiện để các thí sinh dự thi làm bài tại nhiều điểm khác nhau. Đây là bước đột phá trong giáo dục nghề nghiệp cũng như việc đánh giá kỹ năng nghề của nước ta. Hình thức thi trực tiếp diễn ra tương tự như các kỳ thi trước.
Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia năm nay có nhiều điểm mới. Nổi bật là đối tượng thí sinh tham gia được mở rộng, bao gồm học sinh, sinh viên đang học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp có độ tuổi dưới 60 tuổi. Trước đây, đối tượng tham gia kỳ thi chỉ là học sinh, sinh viên, người lao động trẻ có độ tuổi không quá 23 hoặc 25 tuổi, tùy từng nghề. Việc mở rộng đối tượng dự thi nhằm lan tỏa phong trào rèn nghề, phát triển kỹ năng lao động, tôn vinh người lao động và giá trị của kỹ năng nghề.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.