Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kỷ niệm Ngày Quốc tế đa dạng sinh học

Hoàng Sơn| 28/05/2022 18:21

(HNMO) - Ngày 28-5, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với tỉnh Quảng Ninh tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế đa dạng sinh học với chủ đề “Xây dựng một tương lai chung cho mọi sự sống”. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chủ trì buổi lễ.

Các đại biểu trồng rừng để bảo tồn đa dạng sinh học.

Phát biểu khai mạc lễ kỷ niệm, đại diện Ban tổ chức cho biết, chủ đề Ngày Quốc tế đa dạng sinh học được Liên hợp quốc chọn nhằm hướng đến thông điệp: Đa dạng sinh học là nền tảng cho sự tồn tại và phát triển của con người và các loài sinh vật trên Trái đất, có vai trò quyết định tương lai chung của Trái đất và tiến trình phát triển bền vững của nhân loại.

Để ngăn chặn đà suy thoái và bảo tồn đa dạng sinh học, con người cần có những thay đổi về thái độ và hành vi ứng xử với thiên nhiên, điều chỉnh cách thức khai thác và sử dụng tài nguyên theo phương thức bền vững, áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu về biến đổi khí hậu, sức khỏe, an ninh lương thực, nguồn nước và sinh kế cho người dân. 

Đặc biệt, công tác bảo tồn đa dạng sinh học thời gian qua luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Ngày 28-1-2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng để đảm bảo giữ gìn được các giá trị quan trọng của đa dạng sinh học Việt Nam.

Năm 2022 có ý nghĩa to lớn, đánh dấu 50 năm kể từ hội nghị đầu tiên của Liên Hợp quốc về môi trường con người - Hội nghị Stockholm năm 1972 dẫn đến việc thành lập Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP).

Hưởng ứng thông điệp của Ngày Quốc tế về đa dạng sinh học năm 2022, phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đề nghị các bộ, ngành, địa phương chú trọng 6 nhóm nhiệm vụ:

Một là, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và nhận thức về lối sống bền vững hài hòa với thiên nhiên; xây dựng đạo đức, văn hóa, văn minh sinh thái trong ứng xử với tự nhiên; xây dựng bộ tiêu chí văn hóa, lối sống xanh trong toàn xã hội.

Hai là, tập trung chuyển đổi thành công cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, các-bon thấp; đầu tư cho vốn tự nhiên.

Ba là, có kế hoạch cụ thể từ các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp để triển khai có hiệu quả cam kết của Chính phủ tại COP26 về chuyển đổi năng lượng từ than sang năng lượng sạch, tái tạo; giảm phát thải khí nhà kính, trong đó có khí mê-tan; sử dụng bền vững tài nguyên đất và nước.

Bốn là, thực hiện hiệu quả các mục tiêu về Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái tự nhiên và hướng tới COP15 các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học; thúc đẩy mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia thực hiện có kết quả Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh; bảo vệ rừng, phục hồi, trồng mới rừng ngập mặn; nâng cao tỷ lệ bảo tồn gắn với phát triển kinh tế sinh thái, sinh kế bền vững của người dân.

Năm là, tập trung giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường tại các lưu vực sông chính, các khu, cụm công nghiệp, làng nghề; thúc đẩy phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong tái chế, xử lý chất thải rắn, giảm dần việc chôn lấp trực tiếp chất thải; khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm, suy thoái tài nguyên đất; tăng cường các hoạt động phòng, chống các loại tội phạm về môi trường, săn bắn và buôn bán động vật hoang dã.

Sáu là, tăng cường sự hợp tác, đoàn kết toàn dân, phát huy vai trò hợp tác quốc tế trong giải quyết những vấn đề môi trường, khí hậu toàn cầu.

Sau lễ phát động, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng các đại biểu tham gia trồng rừng ngập mặn, thả 2.000 con cá giống để tái tạo nguồn lợi thủy sản tại xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh); cắt băng khánh thành và tham quan triển lãm cộng đồng về tranh ảnh chủ đề bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và các sản phẩm thân thiện với môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm Ngày Quốc tế đa dạng sinh học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.