TP Hồ Chí Minh

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025): Khát vọng vươn mình từ vùng đất phương NamBài 3: Sớm hoàn thiện hệ thống giao thông liên vùng Đông Nam Bộ

Hà Tuấn 11/04/2025 - 06:13

Nhờ sự đầu tư mạnh mẽ từ Trung ương và nỗ lực của các địa phương, hệ thống hạ tầng giao thông liên vùng Đông Nam Bộ đang dần hoàn thiện. Những công trình này đi vào hoạt động sẽ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng và cả nước.

nhon-trach.jpg
Công trường thi công xây dựng cầu Nhơn Trạch. Ảnh: Minh Tuấn

Những công trình sắp hoàn thành

Ghi nhận trên công trường công trình xây dựng cầu Nhơn Trạch vào những ngày này, dù trời nắng nóng nhưng các kỹ sư, công nhân luôn bám sát công trường với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, tăng tốc thi công “3 ca, 4 kíp” để hoàn thành các hạng mục còn lại, kịp đưa vào sử dụng đúng dịp chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Theo chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, cầu Nhơn Trạch thuộc dự án thành phần 1A của dự án Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh, với tổng mức đầu tư khoảng 1.800 tỷ đồng. Cầu có chiều dài 2,6km, vượt sông Đồng Nai, nối huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) với thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh). Hiện, tiến độ cầu đạt trên 95% sản lượng và các nhà thầu đang huy động tối đa nhân lực, vật lực triển khai thi công các hạng mục còn lại.

Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận Trần Văn Thi nhấn mạnh, đây là dự án trọng điểm quốc gia, đóng vai trò kết nối vùng, rút ngắn thời gian di chuyển từ thành phố Hồ Chí Minh sang các địa phương lân cận.

Tương tự, tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành cũng sẽ đưa vào vận hành thêm 33km trước dịp lễ 30-4, gồm: Hơn 14km từ nút giao Phước An đến Vành đai 3 (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) và 18,8km từ đường Lê Khả Phiêu đến đường Nguyễn Văn Tạo (huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh).

Theo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC, chủ đầu tư), khi đoạn đường dài hơn 14km được thông xe, các phương tiện có thể di chuyển liên tục hơn 20km từ nút giao Vành đai 3 (huyện Nhơn Trạch) đến nút giao Quốc lộ 51 (huyện Long Thành), giảm tải áp lực giao thông cho cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, kết nối giao thông khu vực. Còn đoạn phía Tây dài 18,8km khi thông xe sẽ giúp các phương tiện đi liền mạch hơn 22km từ nút giao Mỹ Yên (tỉnh Long An) đến Khu công nghiệp - cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè).

Như vậy, đến dịp lễ 30-4 này, tuyến cao tốc sẽ nâng tổng chiều dài khai thác lên 43km trong tổng số 57km, hướng tới mục tiêu hoàn thành toàn tuyến vào năm 2026, tạo động lực quan trọng cho giao thông khu vực.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa thành phố Hồ Chí Minh Bùi Văn Quản cho rằng, các tuyến đường góp phần rút ngắn thời gian, công sức, chi phí vận chuyển hàng hóa và tiếp cận nhanh với các đầu mối giao thông trọng điểm của quốc gia như sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai), cảng Cát Lái (thành phố Hồ Chí Minh), cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu)..., tạo cú hích mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội khu vực.

Tăng cường liên kết vùng

Dự án Vành đai 3 đoạn qua thành phố Hồ Chí Minh dài hơn 47km hiện đã hoàn thành khoảng 40% khối lượng thi công. Dự kiến, đến cuối năm nay sẽ hoàn thành 14,7km đoạn qua thành phố Thủ Đức. Đến ngày 30-4-2026, toàn bộ tuyến cao tốc qua thành phố sẽ được thông xe.

Còn đoạn qua tỉnh Bình Dương dài gần 11km, đã thi công đạt gần 30% khối lượng. Đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài hơn 11km, đến nay đạt trên 27%; Long An hiện đạt khoảng 60% khối lượng. Theo kế hoạch, toàn tuyến Vành đai 3 sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác vào ngày 30-6-2026, tăng kết nối liên vùng, giảm ùn tắc giao thông và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Hiện thành phố Hồ Chí Minh cũng đang khẩn trương thực hiện các thủ tục để khởi công giai đoạn 1 dự án cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh), dài khoảng 51km, vào cuối năm 2025.

Giám đốc Sở Giao thông Công chánh thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm khẳng định, tuyến cao tốc không chỉ giúp giao thông từ thành phố Hồ Chí Minh đi Tây Ninh thuận lợi mà còn là cửa ngõ kết nối quan trọng với nước bạn Campuchia.

Sau đại lễ 30-4 năm nay, thành phố Hồ Chí Minh sẽ đồng loạt khởi công các dự án mở rộng cửa ngõ thành phố để kết nối các tỉnh lân cận. Đó là mở rộng tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, từ nút giao An Phú đến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu lên 8-10 làn xe; mở rộng cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận lên 6-8 làn xe, tạo thông thoáng khi đi lại giữa thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Tây.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Lương Minh Phúc cho biết, ngoài 5 tuyến cao tốc hướng tâm đồng loạt thực hiện, giải "cơn khát" cao tốc kết nối thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Đông - Tây Nam Bộ suốt nhiều năm qua, thành phố sẽ bứt tốc trên hành trình khép kín mạng lưới vành đai.

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được cũng nhiều lần khẳng định, giao thông là "mạch máu", đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển chung của thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, nhiệm vụ trọng tâm của thành phố là đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, tháo gỡ vướng mắc tại các dự án chậm tiến độ, đẩy nhanh thi công, sớm đưa vào khai thác, qua đó khơi thông nguồn lực để phát triển.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025): Khát vọng vươn mình từ vùng đất phương Nam Bài 3: Sớm hoàn thiện hệ thống giao thông liên vùng Đông Nam Bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.