TP Hồ Chí Minh

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025):Khát vọng vươn mình từ vùng đất phương Nam

Phương Nam 09/04/2025 07:04

LTS: Sau ngày 30-4-1975, chính quyền và người dân thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, các tỉnh phía Nam nói chung đã vượt qua một giai đoạn đầy khó khăn để hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế và giữ vững ổn định chính trị - xã hội.

Bước vào thời kỳ đổi mới toàn diện, từ Đại hội VI của Đảng (năm 1986) đến nay, vùng đất ấy tiếp tục nỗ lực vươn lên, từng bước khẳng định những dấu ấn mới, tạo tiền đề, vị thế sẵn sàng bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Báo Hànộimới giới thiệu tới bạn đọc loạt bài “Khát vọng vươn mình từ vùng đất phương Nam”.

Bài 1: Hành trình 50 năm đến siêu đô thị hiện đại

50 năm thống nhất cùng đất nước, thành phố Hồ Chí Minh đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, ngày càng giàu đẹp, văn minh. Thành phố đang hướng đến mục tiêu trở thành siêu đô thị hiện đại, đồng thời giữ vững vị thế là đầu tàu kinh tế của cả nước.

sai-gon.jpg
Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng phát triển văn minh, hiện đại. Ảnh: Thành Đồng

50 năm sáng tạo để phát triển

Tiến sĩ ngành Hóa học Diệp Ngọc Sương năm nay 84 tuổi, là người con của tỉnh Tiền Giang sống tại Sài Gòn từ năm 1945 đến nay. Bà là một trong những học sinh miền Nam đầu tiên ra Bắc cuối năm 1954 để học tập và cũng là một trong những người đầu tiên trở về thành phố Hồ Chí Minh sau giải phóng, có nhiều đóng góp trong xây dựng và phát triển suốt 50 năm qua.

“Thành phố Hồ Chí Minh sau giải phóng gặp muôn vàn khó khăn về mọi mặt, nhưng tinh thần sáng tạo, vượt khó đã giúp thành phố phát triển. Đơn cử, lãnh đạo thành phố “xé rào” mua gạo từ miền Tây với giá cao hơn giá Nhà nước thu mua để cứu đói cho hơn 3,5 triệu dân; tiên phong cho nhiều nhà máy, xí nghiệp được làm kế hoạch A, B, C… nhằm giải phóng sức sản xuất; xây dựng Nhà máy Lọc dầu Cát Lái, nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam vào năm 1987 để khắc phục tình trạng thiếu năng lượng…”, Tiến sĩ Diệp Ngọc Sương nói.

Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Xuân Biên, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, nhận định: Bằng tư duy sáng tạo, dám nghĩ dám làm của nhiều thế hệ lãnh đạo, nhân dân thành phố, những doanh nghiệp có sức sản xuất vượt trội như Dệt Thành Công, Phong Phú… đã giúp nâng cao đời sống công nhân, trở thành hình mẫu cho sản xuất công nghiệp cả nước trong giai đoạn đổi mới. Khu chế xuất Tân Thuận được lập nên trên vùng đất sình lầy của huyện Nhà Bè, trở thành hình mẫu phát triển khu công nghiệp của cả nước sau này.

Là một trong những người đầu tiên xây dựng đề án phát triển Khu chế xuất Tân Thuận và biến mô hình vốn chỉ có ở nước ngoài trở thành hiện thực tại thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1991, chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng khẳng định: Khu chế xuất Tân Thuận nói riêng và nhiều mô hình phát triển kinh tế tiên phong của thành phố Hồ Chí Minh từ sau ngày 30-4-1975 đến nay, là kết quả của việc người lãnh đạo đặt lợi ích của người dân lên trên hết, nên họ quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm, từ đó sinh ra sự sáng tạo trong xã hội.

Hướng đến siêu đô thị hiện đại

Đại tá Phạm Văn Dương là người con miền Bắc có mặt tại Sài Gòn vào chiều ngày 30-4-1975 và tham gia tiếp quản thành phố với vai trò sĩ quan của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam. Nay ở tuổi 80, ông chọn thành phố Hồ Chí Minh làm nơi an hưởng tuổi già.

Ôn lại thời điểm “chạm mặt” thành phố, ông bồi hồi kể: “Tháng 4-1975, Đô thành Sài Gòn chỉ rộng 25km2, dân số khoảng 2 triệu người. Ngày nay, thành phố Hồ Chí Minh (bao gồm cả Đô thành Sài Gòn, tỉnh Gia Định, quận Phú Hòa, tỉnh Bình Dương; quận Củ Chi, tỉnh Hậu Nghĩa cũ) rộng đến gần 2.100km2, là nơi sinh sống thường xuyên của khoảng 14 triệu người; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn nhất cả nước…”.

Thống kê cho thấy gần 50 năm qua, thành phố Hồ Chí Minh luôn là đô thị lớn nhất nước về nhiều mặt, nhất là kinh tế. Xét trong 10 năm gần đây, giai đoạn 2016-2019, dù kinh tế thế giới có nhiều biến động, Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) tăng trưởng bình quân 7,72%, đóng góp hơn 22% GDP và hơn 26% tổng thu ngân sách quốc gia. Vượt qua những năm khó khăn do đại dịch Covid-19, thành phố vẫn giữ vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước. Năm 2024, tăng trưởng GRDP thành phố Hồ Chí Minh đạt gần 7,2%; thu ngân sách hơn 502.000 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2023, đóng góp khoảng 27% tổng thu ngân sách cả nước.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, trong 10 đến 15 năm tới, thành phố Hồ Chí Minh có cơ hội trở thành thành phố phát triển năng động bậc nhất khu vực ASEAN và châu Á. Sau năm 2035, cơ cấu kinh tế thành phố dự báo nằm trong nhóm các nền kinh tế hậu công nghiệp, với kinh tế số giữ vai trò chi phối.

Nói về vấn đề này và đề cập đến liên kết vùng, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thái, Chuyên gia quản lý công Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh nhận định, thành phố đang cùng các tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu tạo thành vùng siêu đô thị, vùng kinh tế năng động, phát triển nhất của cả nước và Đông Nam Á.

Nói về hướng phát triển của thành phố Hồ Chí Minh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Được cho biết, trong suốt 50 năm qua, Trung ương đã nhiều lần ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để thành phố tiên phong phát triển. Nay với định hướng mới, thời cơ mới, dưới sự chỉ đạo của Trung ương và sự quyết tâm của chính quyền, nhân dân thành phố, thành phố Hồ Chí Minh đang chuyển đổi mô hình kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, hướng đến cải thiện chất lượng tăng trưởng, chú trọng phát triển công nghệ cao, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…; hình thành và phát triển siêu đô thị nhanh và bền vững.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025): Khát vọng vươn mình từ vùng đất phương Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.