TP Hồ Chí Minh

Khát vọng vươn mình từ vùng đất phương Nam:Bài 2: “Trụ cột” vững chắc để xây dựng trung tâm tài chính

Nguyễn Lê 10/04/2025 - 06:27

Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều điều kiện nổi trội và các “trụ cột” vững chắc để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế. Thành phố sẽ vận dụng những cơ chế nổi trội được Trung ương cho phép và đặc thù địa phương để thu hút “đại bàng” tài chính trên thế giới.

thu-duc.jpg
Khu vực dự kiến hình thành khu phố tài chính mới ở Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh).

Lấy thể chế làm nền tảng

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được cho biết, việc xây dựng trung tâm tài chính không chỉ mang lại lợi ích kinh tế - xã hội thiết thực cho thành phố và cả nước, mà còn tạo sức lan tỏa cho các đô thị lân cận và cả khu vực Đông Nam Á.

Về các yếu tố khách quan và sự chuẩn bị, theo đồng chí Nguyễn Văn Được, đến thời điểm này, thành phố Hồ Chí Minh hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để đảm nhận vai trò đầu tàu trong chiến lược xây dựng trung tâm tài chính. Một trong các điều kiện đó là thành phố Hồ Chí Minh có vị trí địa lý chiến lược, đồng thời thị trường tài chính tại thành phố đã có những kết nối chặt chẽ với các trung tâm tài chính lớn trong khu vực như Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Thượng Hải (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản)... thông qua các hoạt động đầu tư và thương mại.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố có những trụ cột vững chắc để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế. Trụ cột đầu tiên là thể chế, giữ vai trò nền tảng. Trụ cột thứ hai là hạ tầng, gồm hạ tầng cơ sở (giao thông, năng lượng…) và hạ tầng số. Trụ cột thứ ba là con người. Thành phố có nguồn nhân lực rất năng động và sáng tạo về lĩnh vực này, trong khi hệ thống các trường đại học đào tạo về tài chính ở thành phố cũng có chất lượng tiệm cận với các nước.

Cũng theo các chuyên gia, thành phố cũng có các trụ cột khác như hệ thống các tổ chức, định chế tài chính... Hiện thành phố có hơn 30 ngân hàng thương mại trong nước đặt hội sở (hoặc chi nhánh 2); hơn 30 chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Điều cần làm hiện giờ là có thêm những chính sách ưu đãi hấp dẫn hơn nữa để thu hút các định chế tài chính lớn trên thế giới. Khi họ đặt trụ sở tại đây, thành phố Hồ Chí Minh sẽ tạo được thương hiệu và uy tín cho trung tâm tài chính quốc tế của thành phố. Trụ cột tiếp theo là môi trường kinh tế vĩ mô, sự tăng trưởng của quy mô nền kinh tế đất nước (từ 8 tỷ USD lên 500 tỷ USD như hiện nay, nằm tốp 33 trên thế giới). Tất cả các trụ cột này sẽ giúp nâng cao mức độ tín nhiệm, bởi trong tài chính, yếu tố này là rất quan trọng.

Nhiều chuyên gia cũng kiến nghị, Trung ương và thành phố cần xây dựng thị trường trái phiếu ngoại tệ để huy động nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực đến từ nước ngoài.

Đột phá bằng công nghệ tài chính

Phát biểu tại Hội nghị “Xây dựng Trung tâm tài chính tại Việt Nam” diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc xây dựng trung tâm tài chính đối với Việt Nam là vấn đề mới và chưa có tiền lệ. Việt Nam sẽ vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Ông Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, Việt Nam không để lỡ mất thời cơ khi xây dựng trung tâm tài chính và sẽ xây dựng với cơ chế vượt trội.

Theo đó, dự thảo Đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh bao gồm 3 cấu phần: Thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng; thị trường vốn và thị trường hàng hóa phái sinh. Thành phố định hướng thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo, nghiên cứu phát triển (R&D), dữ liệu lớn…, tập trung các tổ chức và thị trường tài chính theo hướng cụm ngành để khai thác tác động cộng hưởng, tương hỗ từ các dịch vụ tài chính và dịch vụ hỗ trợ khác nhau. Thành phố chọn dịch vụ tài chính mới để làm khâu đột phá, gồm: Công nghệ tài chính (fintech) và ngân hàng số (digital banking), kết nối fintech và các nhà khởi nghiệp (startups); tài chính xanh để hỗ trợ chuyển đổi sang nền kinh tế bền vững, hướng đến mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0.

Bà Nguyễn Trúc Vân, Giám đốc Trung tâm Mô phỏng và Dự báo kinh tế - xã hội (Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, trọng tâm của Đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh là phát triển các dịch vụ tài chính cốt lõi, thu hút hệ sinh thái doanh nghiệp tài chính đa dạng và xây dựng thành phố thành điểm đến fintech trong khu vực. Về phương thức triển khai, thành phố Hồ Chí Minh đang xem xét phương án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế dựa trên khu phố tài chính ở trung tâm hiện hữu (quận 1) và hình thành khu phố tài chính ở Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức). Hai khu này sẽ bổ sung cho nhau. Trong đó, các dịch tài chính truyền thống vẫn sẽ tập trung ở khu phố tài chính hiện tại; các dịch vụ tài chính có tính sáng tạo sẽ tập trung ở khu phố tài chính mới.

Từ vị trí này, thành phố kêu gọi các định chế tài chính lớn, doanh nghiệp công nghệ và nhà đầu tư chiến lược tham gia xây dựng các khu phức hợp đa năng, có tầm ảnh hưởng, có sức hút...

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khát vọng vươn mình từ vùng đất phương Nam: Bài 2: “Trụ cột” vững chắc để xây dựng trung tâm tài chính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.