(HNM) - Bộ GT-VT cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương đẩy nhanh hơn nữa công tác giải phóng mặt bằng (GPMB); thu hút các nguồn lực đầu tư từ xã hội, chuyên nghiệp hóa các Ban QLDA và kịp thời có giải pháp xử lý đối với những nhà thầu vi phạm tiến độ thi công…
Thành quả vượt bậc
Trong năm 2014, ngành GT-VT đã thi công 61 công trình, dự án và hoàn thành đưa vào khai thác 76 công trình, dự án. Đáng chú ý, nhiều dự án trọng điểm được hoàn thành đã ngay lập tức phát huy hiệu quả như Quốc lộ (QL) 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên, cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường nối sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân, nhà ga hành khách T2 Nội Bài, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây… Một số dự án trọng điểm quốc gia được khởi công cũng hứa hẹn khi hoàn thành sẽ tạo động lực phát triển KT - XH, đẩy nhanh tiến trình CNH - HĐH đất nước, như luồng tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu, cao tốc Bến Lức - Long Thành, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương…
Tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Ảnh: Khánh Huyền |
Theo ông Trần Xuân Sanh - Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GT-VT), trong quá trình thực hiện các dự án, lãnh đạo Bộ GT-VT đã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo tiến độ, chất lượng tại công trường để giải quyết kịp thời các vướng mắc nhằm bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án. Đồng thời, Bộ GT-VT đã ban hành quy định tăng thời hạn bảo hành công trình giao thông lên gấp hai lần so với quy định tối thiểu hiện hành. Nhờ đó, các dự án, công trình cơ bản đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, tiến độ.
Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng cho rằng, năm 2014 đánh dấu những thành quả vượt bậc trong việc thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách tham gia đầu tư vào các công trình giao thông, thông qua việc huy động được 39.077 tỷ đồng đầu tư cho 19 dự án theo hình thức BOT, vượt 22% kế hoạch năm. Điều này đã góp phần quan trọng để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trong điều kiện nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp...
Cần chuyên nghiệp hóa hơn
Bên cạnh những mặt tích cực, Bộ GT-VT cũng thừa nhận, hiện tại nhiều dự án trọng điểm bị chậm tiến độ do công tác GPMB chậm, thời gian giải quyết vướng mắc kéo dài, đặc biệt tại dự án mở rộng QL1 đoạn qua Bình Định, dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội).
Cùng với mặt bằng thì nguồn vốn đối ứng còn thiếu cũng ảnh hưởng đáng kể tới tiến độ các dự án. Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng cho biết, theo kế hoạch, năm 2015 ngành GT-VT dự kiến tổ chức khởi công và khánh thành 170 công trình, dự án. Trong đó, nhiều công trình, dự án trọng điểm, như nâng cấp, mở rộng QL1 từ Hà Nội - Cần Thơ, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng… sẽ hoàn thành trong năm nay. Tổng số vốn đối ứng Bộ GT-VT đề nghị năm 2015 là 12.556 tỷ đồng, nhưng hiện mới được giao 5.500 tỷ đồng. Đây là vấn đề mấu chốt, bởi vốn đối ứng sẽ quyết định đến quá trình triển khai dự án. Nếu không giải quyết được vốn đối ứng thì công tác GPMB sẽ gặp khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ thi công, từ đó dẫn tới trượt giá và làm tăng tổng mức đầu tư của dự án. Do đó, Bộ đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bố trí đủ vốn để đáp ứng tiến độ triển khai các dự án, nhất là vốn đối ứng của các dự án ODA.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - Trưởng BCĐ nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành GT-VT đánh giá, việc đưa hàng loạt dự án có tính huyết mạch, đồng bộ như các tuyến cao tốc, cảng hàng không quốc tế… vào khai thác đã góp phần giải quyết những điểm nghẽn lớn về GT-VT… Tuy nhiên, thực tế một số dự án đang ách tắc cho thấy công tác GPMB còn nhiều nan giải. Một số công trình chưa có sự chuẩn bị kỹ… Do đó, BCĐ mà đầu mối là Bộ GT-VT cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đẩy nhanh hơn nữa công tác GPMB; đưa ra các quy hoạch lâu dài, phù hợp và nhất là tạo cơ chế hấp dẫn hơn nữa nguồn lực đầu tư từ xã hội. Bên cạnh đó, việc tổ chức các Ban QLDA cần chuyên nghiệp hóa hơn nữa; cần chủ động rà soát, có phương án khi các nhà thầu chậm tiến độ, yêu cầu các chủ đầu tư, Ban QLDA thực hiện chế độ báo cáo hằng tháng về tình hình triển khai các dự án để chủ động kiểm soát tiến độ và kịp thời có giải pháp xử lý đối với những nhà thầu vi phạm tiến độ thi công. Các địa phương liên quan cần quan tâm chỉ đạo, hoàn thành công tác GPMB các dự án bảo đảm đáp ứng tiến độ xây dựng; không để xảy ra tình trạng cố tình không chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bộ Xây dựng phải tiếp tục rà soát, cải cách các thủ tục đầu tư xây dựng nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình đầu tư, rút ngắn thời gian thực hiện dự án, nâng cao hiệu quả công trình... Riêng về vốn đối ứng, các dự án đòi hỏi lượng kinh phí lớn, nên Phó Thủ tướng giao Văn phòng BCĐ tổng hợp phương án chi tiết, phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, sắp xếp thứ tự ưu tiên, báo cáo Chính phủ xem xét.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.