(HNM) - Ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư và thực hiện giãn cách xã hội, hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô phải tạm dừng hoặc hạn chế hoạt động để bảo đảm an toàn phòng dịch. Do đó, kịp thời hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang được Liên đoàn Lao động các quận, huyện, thị xã tập trung đẩy mạnh...
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, chị Nguyễn Thị Mỹ Dung, đoàn viên Công đoàn Trường Mầm non Hoa Đào (quận Ba Đình) phải nghỉ làm từ đầu tháng 5-2021 đến nay. Trong khi đó, chồng chị là công nhân xây dựng lại không có thu nhập do phải tạm dừng công việc khi thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch. Hiện, tất cả các khoản chi tiêu của gia đình trong một tháng vỏn vẹn 2,7 triệu đồng mà chị được nhà trường chi trả hằng tháng.
Còn vợ chồng anh Nguyễn Văn Giáp - Công ty TNHH TOTO Việt Nam và chị Đào Thị Huệ - Công ty VICO2 cũng thuộc diện tạm nghỉ việc ở nhà để thực hiện giãn cách xã hội. Vợ chồng anh chị đang nuôi con nhỏ, dù đã chi tiêu rất dè sẻn nhưng cuộc sống luôn trong cảnh "thiếu trước, hụt sau"...
Chị Dung, chị Huệ, anh Giáp chỉ là ba trong số 18.237 người lao động mất việc làm trên địa bàn thành phố Hà Nội đang gặp khó khăn vì dịch Covid-19. Ngoài ra, Hà Nội còn có tới hơn 61.614 người thiếu việc làm.
Nhằm giúp người lao động yên tâm “Ai ở đâu ở đấy”, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã tổ chức những chuyến “xe buýt siêu thị 0 đồng” để vận chuyển các “Túi an sinh công đoàn”, gồm các nhu yếu phẩm thiết yếu như: Gạo, lạc, nước mắm, dầu ăn, khẩu trang, nước sát khuẩn… đến các khu cách ly, phong tỏa và khu nhà trọ để trực tiếp hỗ trợ theo nhu cầu của người lao động. Song song với các hoạt động hỗ trợ, Liên đoàn Lao động thành phố còn đề nghị Liên đoàn Lao động các quận, huyện, thị xã vận động các chủ nhà trọ giảm tiền thuê trọ cho người lao động gặp khó khăn.
Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Đông Anh Nguyễn Văn Hoa, trên địa bàn huyện mặc dù đã triển khai thực hiện phương án “3 tại chỗ” tại các doanh nghiệp nhưng việc thực hiện “3 tại chỗ” chỉ đạt công suất khoảng 30%, có đơn vị chỉ đạt 20%, do đó, số công nhân chưa có việc làm là rất lớn. Thấu hiểu khó khăn của công nhân lao động, các cấp Công đoàn huyện Đông Anh đã phối hợp với chính quyền kêu gọi, vận động từng chủ nhà trọ miễn, giảm giá thuê trọ cho công nhân. Tới thời điểm hiện tại đã có hơn 1.300 chủ nhà trọ trên địa bàn các xã Kim Chung, Hải Bối, Đại Mạch, Võng La quyết định giảm giá thuê trọ cho hơn 9.000 phòng trọ các tháng 7, 8, 9-2021 với tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng.
Chủ nhà trọ Nguyễn Trọng Hào (xã Võng La, huyện Đông Anh) là một trong những gia đình đã quyết định miễn giảm 100% tiền thuê phòng các tháng 8 và 9 (650.000 đồng/phòng) cho 20 phòng trọ đang cho công nhân thuê. Ngoài ra, ông Nguyễn Trọng Hào còn tặng mỗi phòng trọ 5-10kg gạo và một số nhu yếu phẩm cần thiết như dầu ăn, nước mắm, muối, lạc… Ông Nguyễn Trọng Hào chia sẻ: “Sắp tới tôi sẽ tiếp tục có những phương án hỗ trợ công nhân thuê trọ bằng tiềm lực của gia đình và vận động xã hội hóa để cấp lương thực, thực phẩm cho công nhân thuê trọ”.
Tương tự, tại thôn Xuân Bách (xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn), trong thời gian giãn cách xã hội, người lao động vẫn đi làm bình thường và các chủ nhà trọ đã hỗ trợ giảm mức tiền thuê phòng trọ 250-300 nghìn đồng/người. Ngoài ra, có 11 doanh nghiệp trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã có các hình thức hỗ trợ công nhân ở tập trung trong các khu nhà ở, khu nhà lưu trú của doanh nghiệp.
Còn tại huyện Mê Linh, các cấp công đoàn cũng đã phối hợp 17 tổ tự quản khu nhà trọ công nhân thị trấn Chi Đông và thị trấn Quang Minh vận động nhiều chủ nhà trọ giảm tiền thuê nhà cho người lao động với mức từ 20% đến 50%.
Theo kế hoạch, thời gian tới, Liên đoàn Lao động các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền vận động các chủ nhà trọ miễn, giảm giá tiền phòng, hỗ trợ tiền điện, nước và các nhu yếu phẩm cho người lao động (thông qua các nhóm Zalo chủ nhà trọ, các tổ tự quản khu nhà trọ công nhân, tổ Covid-19 cộng đồng...). Bên cạnh đó, các chuyến “xe buýt siêu thị 0 đồng” sẽ tiếp tục lăn bánh, chăm lo hơn nữa cho người lao động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.