(HNM) - Chiều 4-7, thảo luận tại Tổ về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2018, các đại biểu HĐND thành phố khẳng định, kinh tế - xã hội Thủ đô đã đạt kết quả toàn diện.
Thu hút đầu tư tăng cao
Những con số ấn tượng như: Tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 7,07%; thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt 5,92 tỷ USD, gấp 5,4 lần so với cùng kỳ năm 2017, tạm vươn lên đứng đầu cả nước..., đã cho thấy sự nỗ lực và quyết tâm chính trị của thành phố được cụ thể hóa, mang lại những hiệu quả thiết thực.
Có đại biểu dẫn con số thống kê minh chứng thêm - trong hai năm rưỡi vừa qua, Hà Nội đã thu hút được 12 tỷ USD, bằng 59% vốn thu hút đầu tư nước ngoài trong 30 năm đổi mới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo thành phố tại lễ trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào Thủ đô Hà Nội năm 2018. Ảnh: Viết Thành |
Ghi nhận những tín hiệu đáng mừng trong 6 tháng đầu năm, song các đại biểu cũng chỉ rõ những bất cập. Đại biểu Đoàn Văn Trọng (Tổ Mê Linh) cho rằng, dù thành phố đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, nhưng vẫn còn nhiều dự án chậm triển khai.
Đơn cử như trên địa bàn Mê Linh, vẫn còn dự án để đất hoang hóa nhiều năm, khiến người dân bức xúc. Đại biểu Đoàn Văn Trọng kiến nghị thành phố kiên quyết thu hồi những dự án chậm triển khai, giao cho các nhà đầu tư có năng lực.
Liên quan đến lĩnh vực này, đại biểu Phạm Đình Đoàn (Tổ Hoàng Mai) phản ánh, một số doanh nghiệp nhỏ ít được tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ đầu tư. Vì vậy, thời gian tới, thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận chính sách.
Bày tỏ vui mừng khi thành phố đang đẩy mạnh thu hút đầu tư, đặc biệt là cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, đại biểu Hoàng Mạnh Phú (Tổ Phúc Thọ) cho rằng, tiềm năng, thế mạnh về lĩnh vực nông nghiệp của Hà Nội còn chưa được khai thác hết, chưa có nhiều thương hiệu nông nghiệp mạnh.
Về lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, đại biểu các tổ: Hà Đông, Ba Đình, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm cho rằng, tỷ lệ giải ngân xây dựng cơ bản chưa đáp ứng được yêu cầu, có xu hướng chững lại do quy trình thủ tục và những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Các đại biểu kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo công tác này quyết liệt hơn trong những tháng cuối năm.
Sớm khắc phục tình trạng thiếu trường học
Ở một góc độ khác, đại biểu Trần Thế Cương (Tổ Bắc Từ Liêm) cho rằng, việc công nhận chỉ tiêu, bình xét danh hiệu văn hóa mới vẫn còn hình thức, chưa đạt thực chất; tỷ lệ đạt chuẩn quốc gia toàn thành phố về trường học, trạm y tế còn nhiều khó khăn, nhất là tỷ lệ trạm y tế của huyện Mỹ Đức chưa đạt theo kế hoạch.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Quang Thắng (Tổ Hoàn Kiếm) nêu, tiến độ đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia mới đạt 2,5% so với mục tiêu đề ra. Cùng với đó, tiến độ đầu tư xây dựng các dự án xã hội hóa giáo dục còn chậm; tình trạng thiếu trường học tại các khu đô thị chậm được khắc phục.
"Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, đến năm 2020, Hà Nội còn thiếu 314 trường mầm non, tiểu học và THCS. Số lượng trường không chỉ thiếu mà chất lượng cũng chưa được bảo đảm, khi tỷ lệ trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia hiện quá thấp" - đại biểu Hoàng Huy Được (Tổ Ba Vì) nêu thực trạng.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị UBND thành phố cần có lộ trình, kế hoạch cụ thể trong những tháng cuối năm 2018 và năm 2019 để nâng cấp hơn 6.900 nhà vệ sinh tại các trường học bởi hiện nay, nhiều nhà vệ sinh đã xuống cấp...
Các đại biểu kiến nghị, UBND thành phố tập trung chỉ đạo đẩy nhanh xây dựng, công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, trường chất lượng cao; sớm có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu trường học tại khu đô thị. Đối với 3 xã trên địa bàn huyện Mỹ Đức chưa đạt chuẩn về trạm y tế, UBND thành phố cần tập trung nguồn lực để hoàn thành trong năm 2018.
Quan tâm công tác quản lý đô thị
"Cần quan tâm hơn công tác quản lý đô thị, môi trường" - Đó là đề xuất của đại biểu Nguyễn Văn Hải (Tổ Nam Từ Liêm). Cụ thể, theo đại biểu, cần quan tâm đến chỉ tiêu thu gom rác thải trong ngày và tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch. Đề cập công tác quy hoạch, đại biểu cho rằng, công tác quy hoạch phải có dự báo, tránh trường hợp điều chỉnh nhiều lần, gây nhiều hệ lụy.
Về lĩnh vực môi trường, đại biểu Vũ Ngọc Anh (Tổ Nam Từ Liêm) cho rằng, tỷ lệ xây dựng trạm xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp còn thấp; việc xử lý chất thải rắn chưa hiệu quả. Đại biểu kiến nghị thành phố có biện pháp khẩn trương để đẩy mạnh việc xử lý nước thải, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Về công tác phòng cháy, chữa cháy, đại biểu Lê Cường (Tổ Hà Đông) và đại biểu Nguyễn Văn Sửu (Tổ Hai Bà Trưng) cho rằng cử tri vẫn chưa yên tâm, vì thế phải đặc biệt quan tâm đến sự an toàn của người dân, nhất là ở các tòa chung cư.
Thời gian tới, UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo quyết liệt vấn đề này, trong đó chỉ đạo Công an thành phố vào cuộc để có hình thức xử lý sai phạm, đặc biệt là với những chủ đầu tư các tòa chung cư vi phạm các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Liên quan đến việc thực hiện Kế hoạch số 01/KH-BCĐ197 từ tháng 3-2017 của Ban Chỉ đạo 197 thành phố về xử lý, giải quyết vi phạm trật tự công cộng, lòng đường, hè phố, một số đại biểu cho rằng, sau một thời gian có chuyển biến tích cực thì hiện nay, tại địa bàn nhiều quận, huyện, vỉa hè đều bị tái lấn chiếm, không còn là của người đi bộ. Đại biểu kiến nghị Ban Đô thị HĐND thành phố giám sát cụ thể, kịp thời hơn để việc ra quân lập lại trật tự vỉa hè của thành phố không rơi vào cảnh "đầu voi đuôi chuột".
Ngoài ra, một số đại biểu nêu nhiều kiến nghị đáng chú ý như, thành phố tập trung hoàn thành quy hoạch không gian ngầm Thủ đô; có giải pháp đồng bộ, bền vững, căn cơ để bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm... Tất cả ý kiến thảo luận của các đại biểu được Tổ Thư ký kỳ họp HĐND thành phố tổng hợp, gửi UBND thành phố để bổ sung báo cáo, giải trình tại phiên họp chính thức diễn ra bắt đầu kể từ hôm nay, 5-7.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.