(HNMO) - Kể từ khi cuộc chiến thương mại Trung Quốc - Mỹ bùng nổ, quốc gia đông dân nhất thế giới đã lần đầu thừa nhận những lo ngại về nền kinh tế nước này.
Trong một hội nghị ngày 1-11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tìm cách trấn an các doanh nghiệp trong nước khi cam kết sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân bằng cách giảm thuế và tăng đầu tư vốn, trong bối cảnh nhà lãnh đạo nước này thừa nhận sự thiếu ổn định của nền kinh tế đất nước. Hội nghị được tổ chức giữa lúc xuất hiện những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đánh mất đà tăng trưởng vì phải đối mặt cuộc chiến thương mại với Mỹ, gia tăng các khoản nợ lớn và đồng nội tệ giảm giá.
Trước đó, ngày 31-10 vừa qua, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc thừa nhận nền kinh tế Trung Quốc đang chịu những "áp lực suy giảm" ngày càng tăng do "những thay đổi sâu sắc" từ môi trường bên ngoài. Đây là lần đầu tiên ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc bày tỏ lo ngại về sự suy giảm trong phát triển kinh tế đất nước kể từ khi xảy ra cuộc chiến thương mại với Mỹ từ đầu mùa hè vừa qua.
Nền kinh tế lớn nhất châu Á trong quý III đã có mức tăng trưởng chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khi sản lượng sản xuất và đầu tư cơ sở hạ tầng đều trượt dốc. Washington và Bắc Kinh đã áp thêm thuế quan đối với hàng hóa của nhau vào ngày 24-9. Theo đó, Mỹ đánh thuế bổ sung 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, còn Bắc Kinh đáp trả bổ sung với mức thuế 5-10% lên 60 tỷ USD hàng Mỹ. Song chưa hết, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn đe dọa sẽ áp thuế tất cả mặt hàng xuất khẩu còn lại của Trung Quốc. Tháng 10-2018 là thời điểm đầu tiên sau khi những đòn áp thuế mới nhất của Mỹ có hiệu lực.
Các con số thống kê cho thấy, nền kinh tế Trung Quốc đã để lộ ra những thương tổn mới với sự suy giảm sản xuất mạnh hơn và đồng nhân dân tệ đang ở mức thấp nhất 10 năm qua so với đồng USD. Lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc hầu như không mở rộng trong tháng 10 khi cả nhu cầu trong và ngoài nước đều giảm. Chỉ số quản lý thu mua (PMI) đã giảm còn 50,2 trong tháng 10, mức thấp nhất kể từ tháng 7-2016 và giảm từ mức 50,8 trong tháng 9. Những đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã giảm sút trong 5 tháng liên tiếp và đang giảm nhanh nhất trong ít nhất 1 năm qua.
Trong bối cảnh này, Trung Quốc đã “bơm” hàng chục tỷ USD vào hệ thống tài chính và các biện pháp khác để chống đỡ cho các doanh nghiệp địa phương. Trong một dấu hiệu căng thẳng hơn nữa, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã áp đồng nhân dân tệ ở mức 6,9646 nhân dân tệ/USD, thấp hơn so với mức 6,9574 nhân dân tệ/USD một ngày trước đó. Hơn nữa, PBOC còn cho phép đồng nhân dân tệ tăng giảm 2% trong phiên điều chỉnh. Động thái này sẽ làm gia tăng căng thẳng với chính quyền Tổng thống D.Trump, nhất là khi Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ làm tăng lợi thế xuất khẩu.
Một số nhà phân tích dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ thiệt hại 0,5-0,6% trong năm 2019 nếu thuế bổ sung mà Mỹ áp lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc được nâng lên 25% từ ngày 1-1 tới như cảnh báo. Chuyên gia Ethan Harris, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế toàn cầu tại Ngân hàng Merrill Lynch (Mỹ) nhận định: “Nếu áp thuế tương ứng với các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ và Trung Quốc, thì Trung Quốc sẽ chịu thiệt hại gấp 4 lần vì họ xuất khẩu nhiều gấp 4 lần so với nhập khẩu”. Các nhà phân tích cho rằng, điều kiện kinh doanh của Bắc Kinh có nguy cơ trì trệ hơn nữa trước khi được cải thiện trong điều kiện cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ chưa sớm kết thúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.