(HNM) - Thành ủy Hà Nội vừa công bố dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành khóa XV (gọi tắt là Dự thảo) tại Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI trên Báo Hànộimới để toàn thể đảng viên và nhân dân thành phố đóng góp ý kiến.
Trong không khí dân chủ, trách nhiệm ấy, chúng tôi cũng xin đóng góp thêm đôi điều mà bản thân tâm đắc. Trước hết, về cơ bản, tôi bày tỏ sự nhất trí với những nhận định, đánh giá của Dự thảo đối với kết quả lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy trên các lĩnh vực đời sống xã hội Thủ đô trong nhiệm kỳ qua. Trong khuôn khổ bài này, chúng tôi không thể trình bày tất cả những điều muốn phát biểu với những chủ trương, định hướng của Đảng bộ trong 5 năm tới, mà xin giới hạn trong vấn đề phát triển kinh tế tri thức.
Vấn đề kinh tế tri thức và phát triển kinh tế tri thức được bàn thảo ở Việt Nam gần 20 năm nay, nhưng được Đại hội XI của Đảng ta nhấn mạnh như một chủ trương lớn trước yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.
Các quan điểm phát triển của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 thì hầu như hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp đều đề cập vai trò của khoa học, công nghệ và vị trí của con người - khoa học - công nghệ.
Quan điểm phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trong đó phát triển nhanh là yêu cầu cấp thiết, bền vững là yếu tố tiên quyết được nhận thức xuyên suốt chiến lược. Yêu cầu của chiến lược là phải chú trọng phát triển theo chiều sâu gắn kết với phát triển theo chiều rộng một cách hợp lý nằm nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, chất lượng cạnh tranh, đủ sức chiếm lĩnh thị trường nội địa và vươn mạnh ra thị trường quốc tế. Đây chính là tư tưởng nền tảng của Đại hội XI chỉ đạo phát triển kinh tế tri thức trong 5 năm qua. Đối với Hà Nội, vị thế, vai trò Thủ đô đòi hỏi phải tiên phong đi đầu, nhất là bổn phận đầu tàu trong Vùng kinh tế Thủ đô. Quan điểm chỉ đạo của Đại hội XI thật rõ ràng, nhưng trong Dự thảo phần tổng kết, đánh giá thì rất mờ nhạt, ngoài một câu trong mục 6 về Khoa học và công nghệ: “…triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình, đề án nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ Thủ đô, gắn với tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI), góp phần thúc đẩy đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ, năng lực quản lý, năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế tri thức”. Thực hiện một chủ trương lớn của Đại hội XI về một yếu tố có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế hiệu quả mà không được đánh giá trực tiếp, chỉ được đánh giá như là hệ quả của “thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình, đề án nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ của Thủ đô” (góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tri thức). Cần nhận thức rằng, kinh tế tri thức là thước đo của một quốc gia công nghiệp và với Hà Nội nó là tiêu chí của một Thủ đô công nghiệp theo hướng hiện đại.
Văn kiện Đại hội XI của Đảng xác định rõ chỉ tiêu chiến lược là: Giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 45% trong tổng GDP vào năm 2020; tỷ lệ này là 35% vào năm 2015 và nhấn mạnh “Xây dựng và triển khai lộ trình phát triển kinh tế tri thức đến năm 2020”(1). Lộ trình này của Hà Nội trong 5 năm qua không rõ Hà Nội xây dựng ra sao, kết quả giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt tỷ lệ bao nhiêu mà không được Dự thảo làm rõ.
Đây vừa là chủ trương lớn, vừa là yêu cầu bắt buộc các cấp, các ngành phải thực hiện để phát triển kinh tế nhanh, bền vững và bảo đảm hài hòa với phát triển các vấn đề văn hóa, xã hội. Đại hội XVI có trách nhiệm kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, cho nên đề nghị Tiểu ban văn kiện Đại hội XVI Đảng bộ làm rõ thêm vấn đề phát triển kinh tế tri thức ở Thủ đô, không thể chỉ nhân tiện nhắc đến cụm từ “Phát triển kinh tế tri thức” ở đôi ba chỗ như trong Dự thảo.
Tuy vậy, phát triển kinh tế tri thức đã được Hà Nội xác định là nhiệm vụ trọng tâm(2) và cũng đã xác định các thành phần cơ bản của kinh tế tri thức là công nghệ thông tin, tự động hóa, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới(3)… Nhưng Dự thảo chưa đánh giá được bức tranh kinh tế tri thức được thể hiện như thế nào. Hệ quả, thiếu cơ sở để định hướng cụ thể như thế nào trong 5 năm tới.
Một vấn đề liên quan đến tạo nguồn lực phát triển kinh tế tri thức ở Hà Nội là sự gắn kết của thành phố với các thiết chế khoa học và công nghệ trên địa bàn cũng chỉ được Dự thảo nêu chung chung: “Mạng lưới các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tiếp tục được hoàn thiện”. Vấn đề là khai thác trí tuệ của mạng lưới này cho phát triển mới là điều cần bàn, cần nói cho rõ.
Trong phần phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới, vấn đề phát triển kinh tế tri thức không được Dự thảo chú trọng đúng mức. Ngoài những cụm từ như những hô hào quyết tâm chính trị: “Có nhiều sản phẩm với hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao” (xem Mục tiêu tổng quát); hay một trong năm nhiệm vụ chủ yếu: “Phát huy tiềm năng và thế mạnh của Thủ đô, đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức…”. Nhưng trong Phát triển kinh tế (mục II), Dự thảo cũng chỉ dừng ở mức nêu chủ trương chung “1. Đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn với cơ cấu lại kinh tế Thủ đô bảo đảm mục tiêu phát triển nhanh, bền vững”, mà chưa thấy bám sát Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 của Nhà nước đã đề ra để kiểm điểm, đánh giá và tiếp tục xác định nhiệm vụ. Chỉ tiêu chiến lược nêu là: Giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 45% trong tổng GDP vào năm 2020. Đến năm 2020, Hà Nội cũng đạt 45% hay 50%? Chỉ tiêu này không có trong Dự thảo! Mà đến năm 2020, Hà Nội là Thủ đô của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Chúng tôi đề nghị Tiểu ban văn kiện xác định rõ lộ trình và chỉ tiêu phát triển kinh tế tri thức trong 5 năm tới. Trong phần tổng kết cũng như trong Phương hướng, nhiệm vụ không một dòng nào được chỉ ra giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ngành nào của Hà Nội ứng dụng công nghệ cao để góp phần đạt 45% hay 50% trong GDP vào 5 năm tới.
Hà Nội chúng ta với tư cách là Thủ đô, nơi tập trung nguồn lực khoa học, công nghệ mạnh nhất nước, không thể không sớm xây dựng và triển khai cho được lộ trình phát triển kinh tế tri thức của Thủ đô 5 năm tới để góp phần đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Để xác định được lộ trình phát triển kinh tế tri thức đến năm 2020, phải làm rõ hình hài kinh tế tri thức ở Thủ đô hiện ra sao? Những yếu tố tri thức nào đang thâm nhập và hiện trạng mức độ thâm nhập của chúng vào quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ như thế nào? Những lĩnh vực nào, ngành kinh tế nào cần được tập trung đầu tư để nâng cao chất lượng và tỷ lệ hàm lượng khoa học, công nghệ cao cho sản phẩm công nghiệp và dịch vụ?... Trả lời những câu hỏi đó là tạo tiền đề xác lập lộ trình phát triển kinh tế tri thức, nếu không chỉ là những mệnh đề quyết tâm chính trị mà thôi.
------------------------------------------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. NXB CTQG, tr.221
(2) Xem: Dự thảo kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2011-2015 của TP Hà Nội, ngày 4-4-2011; tr.9
(3) Xem: Tài liệu dẫn trên, tr.10
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.