Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh tế toàn cầu trước tác động do dịch Covid-19:  “Trong nguy có cơ”

Hoàng Linh| 07/04/2020 06:38

(HNM) - Đại dịch Covid-19 không chỉ cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người trên toàn thế giới mà còn được ví như "cơn lốc" đối với nền kinh tế toàn cầu. Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva dự báo, đại dịch Covid-19 sẽ gây suy thoái toàn cầu trong năm nay và có thể tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009. Tuy nhiên, nếu sớm được khống chế, dịch Covid-19 có thể dẫn tới những đổi thay tích cực chưa từng có đối với nền kinh tế toàn cầu.

Phố Wall (New York) - biểu tượng của nền tài chính Mỹ - hoang vắng trong những ngày dịch Covid-19 hoành hành.

Khởi đầu từ việc gây gián đoạn hoạt động sản xuất ở Trung Quốc, dịch Covid-19 đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng của nhiều ngành công nghiệp lớn trên thế giới, từ ô tô, điện tử đến dược phẩm, may mặc… Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) Gloria Guevara cho rằng, ước tính "ngành công nghiệp không khói" của thế giới thiệt hại ít nhất 22 tỷ USD, và có thể tăng gấp đôi nếu dịch kéo dài. Châu Á - Thái Bình Dương sẽ là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với số lượt khách du lịch ước tính giảm từ 9 đến 12%. Nhu cầu đi lại suy giảm cũng khiến doanh thu ngành vận tải toàn cầu tuột dốc. Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) từng dự báo, doanh thu ngành hàng không thế giới sẽ thiệt hại khoảng 113 tỷ USD, trong đó các hãng hàng không châu Á và châu Âu sẽ chịu tổn thất nặng hơn cả.

Ở khía cạnh quốc gia, Mỹ và Trung Quốc, hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới cũng đối mặt tương lai bất định. Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây dự báo, kinh tế quốc gia đông dân nhất thế giới có thể ngừng tăng trưởng. Moody's Analytics đánh giá, kinh tế Mỹ cũng đang thiệt hại lên tới hơn 17 tỷ USD mỗi ngày vì dịch Covid-19 và có thể sụt giảm tới 3,8% GDP trong năm 2020.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính, dịch Covid-19 có thể gây ra khoản tổn thất toàn cầu từ 2.000 đến 4.100 tỷ USD, tương đương mức thiệt hại từ 2,3 đến 4,8% GDP. Ngân hàng này đưa ra cảnh báo, kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng âm nếu không kịp thời có những biện pháp “tăng lực” thích hợp.

Để tránh kịch bản suy thoái xấu nhất, từ nhiều ngày qua, các tổ chức tài chính quốc tế cũng như mỗi quốc gia đã tung ra hàng loạt biện pháp hỗ trợ, tiếp sức cho các nền kinh tế, đặc biệt là những quốc gia dễ bị tổn thương. Các gói cứu trợ tài chính khẩn cấp này được ví như “phao cứu sinh”, bảo đảm cho các nền kinh tế trên thế giới đủ sức chống chọi và vượt qua đại dịch Covid-19. Mỹ thông qua gói hỗ trợ 2.000 tỷ USD, trong khi tại châu Âu, Đức - dù thắt lưng buộc bụng suốt nhiều năm qua - cũng không ngần ngại thông qua kế hoạch sử dụng gần 1.100 tỷ euro để bảo vệ nền kinh tế. Các ngân hàng quốc tế như ADB, WB đều chuẩn bị những khoản vay ưu đãi, tối giản thủ tục để hỗ trợ các quốc gia thành viên.

Bên cạnh những thiệt hại về kinh tế, giới chuyên môn cũng cho rằng "trong nguy có cơ" bởi Covid-19 cũng song hành với nhiều thay đổi mang tính tích cực đối với nền kinh tế toàn cầu. Cụ thể là khi các nền kinh tế nhận ra điểm yếu của sự lệ thuộc quá lớn vào “công xưởng” Trung Quốc, họ sẽ chuyển sang tối ưu hóa khả năng phục hồi thông qua việc đa dạng nguồn cung, bổ sung các mặt hàng trong kho dự trữ. Dịch bệnh khiến hàng loạt doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản nhưng cũng thúc đẩy sự xuất hiện của nhiều ý tưởng, mô hình kinh doanh mới. Thêm vào đó, khi thói quen mua sắm từ xa của người tiêu dùng trong giai đoạn đại dịch cũng sẽ bảo đảm sự bùng nổ của thương mại điện tử trong những năm tới, biến điều này thành động lực tăng trưởng kinh tế đối với nhiều quốc gia...

Những ngày qua, cả thế giới không ngừng nỗ lực vượt qua khủng hoảng, vừa chống dịch vừa tìm tòi những cơ hội mới để bảo đảm phát triển kinh tế. Điều này người ta thường gọi là "trong nguy có cơ".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế toàn cầu trước tác động do dịch Covid-19:  “Trong nguy có cơ”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.