(HNM) - Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa công bố tổng số nợ công và tư nhân toàn cầu (không bao gồm ngành tài chính) tính đến cuối năm 2015 đã đạt tới 152.000 tỷ USD, tương đương 225% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả thế giới, và con số này vẫn tiếp tục tăng lên.
Theo Giám đốc Ban Tài chính của IMF Vitor Gaspar, nợ ngày càng cao trong khi tăng trưởng kinh tế vẫn ảm đạm làm tăng nguy cơ khủng hoảng tài chính, tác động sâu và kéo dài. Hơn nữa, nợ tư nhân quá lớn cũng là sự cản trở đối với phục hồi kinh tế toàn cầu và đe dọa ổn định hệ thống tiền tệ. Theo các chuyên gia của IMF, chính việc các ngân hàng trung ương đua nhau cắt giảm lãi suất để hỗ trợ phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã khuyến khích hoạt động vay tiền, dẫn đến tình trạng nợ nần hiện nay. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế chậm được coi như "hòn đá tảng" kìm hãm nỗ lực giảm nợ của các quốc gia và doanh nghiệp.
Dù được xem là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới, nhưng với tổng số nợ chiếm 250% GDP khiến Trung Quốc gặp khó khăn trong tăng trưởng. |
Với Trung Quốc - một trong những nền kinh tế có ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế thế giới - IMF cảnh báo tổng số nợ hiện cũng đạt mốc 250% GDP. Tỉ lệ nợ xấu của các ngân hàng Trung Quốc có thể tăng cao, nguy cơ mất khả năng thanh toán ngày càng lớn. Trong khi quá trình tái cơ cấu nền kinh tế của Trung Quốc khó khăn hơn dự kiến. Năm 2015, GDP của Trung Quốc chỉ tăng 6,9% - mức thấp nhất 25 năm qua. Theo IMF, GDP của Trung Quốc sẽ chỉ ở mức 6,9% trong năm nay và sau đó giảm xuống còn 6,2% năm 2017. Tăng trưởng kinh tế chậm khiến nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu của Trung Quốc giảm, đồng nghĩa với việc kênh xuất khẩu nguyên liệu bị thu hẹp. Mặc dù đây là nguồn thu quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng cho quốc gia này.
Đối với nước Nga, dù dự báo có thể đạt mức tăng trưởng 1,1% trong năm 2017, nhưng nền kinh tế Nga vẫn sẽ suy thoái trong năm 2016, với mức dự báo giảm 0,8% do bị phương Tây trừng phạt kinh tế và giá dầu toàn cầu giảm mạnh. Còn với nền kinh tế Mỹ, báo cáo năm tài khóa 2016 cho thấy, nền kinh tế số một thế giới đang gánh mức nợ công hơn 19,5 nghìn tỷ USD (tương đương 110% GDP). IMF cũng dự báo kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng 1,6% trong năm 2016, thấp hơn 0,6% so với lần dự báo gần nhất. Tổ chức này nhấn mạnh, việc ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa thay đổi chính sách tự do thương mại đang khiến thế giới trở nên bất ổn hơn sau khi có quá nhiều biện pháp bảo hộ được áp dụng.
Tại khu vực ASEAN, giới chuyên môn đang đặt nhiều kỳ vọng do vẫn duy trì mức tăng trưởng tốt trong năm 2016. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, GDP của Philippines trong năm nay được dự báo sẽ tăng 6,4%; Indonesia tăng dần đều từ 4,8% năm 2015 lên 5,5% năm 2018; Malaysia tăng 4,2% trong năm 2016… Còn với Việt Nam, tỉ lệ nợ công/GDP năm 2016 được dự báo sẽ ở mức 64,1%, tiến sát mốc do Quốc hội đề ra (dự kiến tăng lên 64,9% trong năm 2018). Tuy nhiên, mức tăng trưởng xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái là 6,4%. Con số này tuy cao so với thương mại toàn cầu, nhưng là mức thấp nhất của Việt Nam kể từ năm 2009. Ngân hàng Thế giới cũng nhận xét khu vực Đông Á - Thái Bình Dương sẽ vẫn đối mặt với rủi ro tăng trưởng lớn. Vì thế, các nước cần có biện pháp giảm tổn thương về tài chính. Trong dài hạn, báo cáo khuyến nghị các nước giải quyết những thách thức về tăng trưởng bền vững và toàn diện, trong đó có việc thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng, giảm tỷ lệ thiếu dinh dưỡng và cải thiện tài chính. Ngoài ra, việc Anh rời Liên minh Châu Âu sẽ không có tác động lớn lên khu vực ASEAN trong ngắn hạn, do quan hệ thương mại, tài chính với Anh không lớn.
Thế nhưng, kinh tế toàn cầu còn chịu ảnh hưởng từ những khu vực khác. Vì vậy, chắc chắn rằng nếu những nỗ lực giảm nợ không được thực thi hiệu quả trong thời gian tới, nguy cơ khủng hoảng tài chính sẽ là nhãn tiền. Để tránh viễn cảnh u ám này, từng quốc gia sẽ phải tìm mọi cách để khôi phục sức tăng trưởng, đưa lạm phát trở về mức bình thường. Bên cạnh đó, các chính phủ cũng cần tính toán đầu tư, cải cách tài chính và kinh doanh, đưa ra các chương trình mục tiêu nhằm giúp các công ty giảm nợ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.