(HNM) - Kỳ họp thứ sáu, HĐND TP Hà Nội khóa XV đã thông qua báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018. Ghi nhận chung của các đại biểu HĐND thành phố là kinh tế Thủ đô đã giữ vững đà tăng trưởng, văn hóa - xã hội được quan tâm, an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm.
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Tổng công ty May 10. Ảnh: Nhật Nam |
Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu đều nhất trí đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô 6 tháng đầu năm 2018. Trong đó, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố theo phương pháp tính mới đạt 7,07%, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm 2017 (6,64%). Đặc biệt, ngành Du lịch tiếp tục tăng mạnh do thực hiện hiệu quả các chương trình xúc tiến và quảng bá du lịch trong và ngoài nước. Lượng khách quốc tế có lưu trú đến Thủ đô đạt 2,21 triệu lượt, tăng 21%. Lượng khách du lịch nội địa được duy trì, ước đạt 5,63 triệu lượt, tăng 14,6%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 39,2 nghìn tỷ đồng, tăng 9,3%.
Bên cạnh đó, thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã để lại ấn tượng lớn. Theo đánh giá của các đại biểu HĐND thành phố, bên cạnh việc đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án mới, thành phố đã tích cực đôn đốc các cơ quan chuyên môn hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện dự án. Nhờ đó, các chỉ số tổng hợp về năng lực cạnh tranh và cải cách hành chính năm 2017 tiếp tục tăng hạng và giữ vị trí cao so với các tỉnh, thành phố. Tổng vốn đầu tư xã hội 6 tháng đầu năm 2018 ước thực hiện 128,9 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2017; thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt 1,2 tỷ USD, tăng 9,4%; lũy kế đến nay có 4.325 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn 27,94 tỷ USD, trong đó, đã giải ngân khoảng 15,4 tỷ USD.
Cũng thời gian này, có 12,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tổng vốn đăng ký 124 nghìn tỷ đồng, giảm 3% về số lượng nhưng tăng 31% về vốn so với cùng kỳ năm 2017. Như vậy, tính đến hết tháng 6-2018, toàn thành phố có tổng số khoảng 251.460 doanh nghiệp.
Dù vậy, đa số đại biểu đều rất lo lắng trước thực trạng tỷ lệ giải ngân xây dựng cơ bản còn thấp, chưa được cải thiện, mà nguyên nhân UBND thành phố nêu không mới, như vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, cơ chế chính sách... Vì thế, các đại biểu đề nghị UBND thành phố cần làm rõ những vướng mắc cụ thể trong công tác giải phóng mặt bằng để có giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Bên cạnh đó, vẫn còn doanh nghiệp nhỏ khó khăn trong tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ đầu tư. Đặc biệt, phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn dựa nhiều vào ngân sách, chưa có cơ chế xã hội hóa. Vì thế, trong giải pháp 6 tháng cuối năm 2018 phải đánh giá rõ hơn hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ....
Đề cập về giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: “Thường trực HĐND thành phố đã giao UBND thành phố xây dựng kế hoạch khắc phục tồn tại, hạn chế và các biện pháp để thực hiện các chỉ tiêu khó có khả năng hoàn thành gắn với mục tiêu đặt ra đến năm 2020. Trong đó, đề nghị phân công rõ trách nhiệm, các cơ quan thực hiện, thời gian hoàn thành để tổ chức thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2018”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.