Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh tế thế giới: Thiếu lạc quan

Hoàng Linh| 12/04/2019 07:35

(HNM) - Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2019 từ 3,5% xuống còn 3,3%. Đây là thông báo lần thứ ba liên tiếp trong vòng 6 tháng qua của định chế tài chính này.

Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde nhận định “tín hiệu vui” sẽ xuất hiện trong giai đoạn cuối năm 2019.


Trong báo cáo về triển vọng kinh tế toàn cầu cập nhật tháng 4-2019, IMF cho rằng kinh tế thế giới đã mất động lực từ nửa sau năm 2018 tới nay, sau những cú sốc từ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit. Căng thẳng thương mại gia tăng, cũng như các điều kiện tài chính bị thắt chặt hơn cũng là những yếu tố bất lợi cho kinh tế toàn cầu. IMF cảnh báo kinh tế thế giới đang phải đối mặt với thời điểm nhạy cảm khi cùng lúc bị tác động bởi nhiều nguy cơ. Khối lượng hàng hóa và dịch vụ giao thương trên toàn cầu được dự báo chỉ tăng 3,4% trong năm nay, yếu hơn mức 3,8% của năm 2018 và giảm so với con số 4% mà IMF dự báo trước đó.

Ngoài tăng trưởng kinh tế thế giới nói chung, IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng của nhiều nền kinh tế dẫn đầu. Theo đó, tăng trưởng của Mỹ năm 2019 dự báo còn 2,3% so với mức 2,5% IMF đưa ra hồi tháng 1. Thậm chí con số này trong năm 2020 chỉ đạt 1,9% với lý do những tác động từ việc cắt giảm thuế của Tổng thống Donald Trump dần phai nhạt. Ngược lại, mặc dù Trung Quốc được nâng mức dự báo từ 6,2% lên 6,3% nhờ những nỗ lực gần đây của Bắc Kinh trong việc kích thích phát triển kinh tế đất nước, nhưng IMF nhận định hiện tượng tăng trưởng chững lại ở quốc gia đông dân nhất thế giới sẽ vẫn tiếp diễn.

Tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), IMF cũng giảm mạnh dự báo tăng trưởng của khối này xuống chỉ còn 1,3% trong năm 2019 và nhích lên mức 1,5% trong năm 2020. Trong đó, Đức và Italia là hai nền kinh tế bị tác động lớn nhất. Việc kinh tế châu Âu đối mặt khó khăn là hoàn toàn dễ hiểu khi sự tự tin của giới kinh doanh suy giảm, đồng thời ngành công nghiệp ô tô chủ lực của Lục địa già bị gián đoạn do những quy chuẩn hà khắc hơn về khí thải. Trong khi đó, nhu cầu hàng hóa châu Âu từ các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á cũng giảm đi. Tình hình tại Mỹ Latinh, Trung Đông và Bắc Phi cũng được IMF dự báo sẽ yếu hơn các dự đoán trước đó.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, nếu rủi ro suy thoái được ngăn chặn và những hỗ trợ chính sách được thực hiện có hiệu quả, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng trở lại trong tương lai gần. Trước đó, trong bài phát biểu trước thềm cuộc họp mùa xuân với Ngân hàng Thế giới, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cũng nhận định những “tín hiệu vui” sẽ xuất hiện trong giai đoạn cuối năm 2019. IMF hiện vẫn duy trì dự báo tăng trưởng toàn cầu ở mức 3,6% trong năm 2020, với niềm tin đặt ở những nhân tố tích cực như quyết định trì hoãn nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), dữ liệu sản xuất lạc quan của Trung Quốc hay mức tăng vượt dự báo của thị trường lao động Mỹ. Ngoài ra, những đàm phán gần đây cho thấy một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng có thể đạt được, góp phần giải phóng nỗi lo của các nhà đầu tư.

Trước không ít ý kiến lo ngại, nếu xảy ra rủi ro, sự phục hồi dự kiến ở các nền kinh tế khủng hoảng, đang mắc nợ hay những nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu sẽ có nguy cơ bị “trật bánh”, các chuyên gia kinh tế cho rằng đây là lúc chính phủ các nước cần có những điều chỉnh hợp lý và kịp thời để chèo lái con thuyền kinh tế đúng hướng, tránh những “tảng đá ngầm” không mong muốn, hướng tới giai đoạn tăng trưởng sáng sủa hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế thế giới: Thiếu lạc quan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.