(HNM) - Một thách thức lớn đối với Thủ tướng Shinzo Abe - nhân vật được kỳ vọng sẽ mang lại những chuyển biến tích cực cho nền kinh tế đang trong thời kỳ
Đó là ngày 9-8, Bộ Tài chính Nhật Bản công bố số nợ gây chấn động của chính phủ trung ương xứ Phù tang lần đầu tiên đã vượt mức 1 triệu tỷ yen (tương đương 10.400 tỷ USD) và dự kiến đến cuối tháng 3-2014, sẽ lên tới 1,1 triệu tỷ yen.
Để tăng trưởng bền vững, nền kinh tế Nhật Bản đang chờ đợi một cuộc cải tổ sâu rộng. |
Mức nợ công lên tới 200% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản hiện nay là "di sản" sau hai thập kỷ giảm phát không ngừng tại xứ Mặt trời mọc. Từ khi Thủ tướng S.Abe lên nắm quyền vào tháng 12 năm ngoái, núi nợ công tiếp tục được chất thêm. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn nằm trong dự báo của các nhà quản lý sau khi người đứng đầu nội các Nhật Bản thực hiện chính sách cải tổ kinh tế táo bạo mà những người kính trọng ông gọi là Abenomics.
Với chiến lược "3 mũi tên" trọng tâm gồm: thúc đẩy chi tiêu công, nới lỏng tiền tệ và tăng trưởng kinh tế sâu rộng, không ít ý kiến cho rằng ông S.Abe đang dấn thân vào một ván bài đầy may rủi để đưa xứ sở Mặt trời mọc thoát khỏi "thập kỷ mất mát". Nếu công thức Abenomics thành công thì Nhật Bản, với vị trí hiện tại là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, sẽ xuất hiện trở lại như một đầu tàu tăng trưởng lớn trong bối cảnh kinh tế Châu Âu đình trệ và kinh tế Trung Quốc giảm tốc. Ngược lại, nếu chính sách này thất bại thì khối nợ công khổng lồ được ví như "núi Phú Sĩ" có thể sụp đổ, kéo theo những cơn chấn động lớn trong nền kinh tế toàn cầu.
Hiện tại, nội các của Thủ tướng S.Abe đã bắn đi hai mũi tên đầu tiên trong học thuyết Abenomics, đó là: tập trung vốn cho các công trình công cộng khổng lồ bất chấp nguồn ngân sách hạn chế; đồng thời bổ nhiệm một Thống đốc Ngân hàng Trung ương (BoJ) mới, người quyết định bơm tiền ồ ạt vào nền kinh tế bằng một gói kích thích trị giá 10.300 tỷ yen. Trong ngắn hạn, dường như quyết định này đang mang lại tác dụng vô cùng hiệu quả, ít nhất là đối với các nhà đầu tư. Từ điểm đáy sau khi bong bóng trên thị trường chứng khoán đổ vỡ vào năm 1990, giờ đây chỉ số trên bảng điện tử đã tăng hơn 70% chỉ trong vòng 7 tháng qua. Lần đầu tiên trong nhiều năm, những người gửi tiền tiết kiệm quay trở lại đầu tư chứng khoán. Thành công ban đầu của quyết định này ít nhiều đã tạo cho người dân cảm giác kỳ vọng về sự tái sinh của nền kinh tế Nhật Bản. Kết quả thăm dò dư luận do hãng tin Kyodo tiến hành mới đây cho thấy, có tới 65% số người được hỏi hy vọng chính sách Abenomics sẽ mang lại hiệu quả.
Thế nhưng, do Chính phủ đã phát hành một lượng lớn trái phiếu mới để lấy kinh phí cho các dự án công với quy mô lớn trong ngân sách ban đầu của tài khóa này nhằm thúc đẩy nền kinh tế, nhiều nhà phân tích bắt đầu lo ngại về tốc độ gia tăng khối nợ quốc gia. Dù Thủ tướng S.Abe đã đề xuất tăng thuế tiêu thụ lên mức 10% nhưng có thể điều này vẫn không đủ sức kìm chân tốc độ nợ công đang ngày càng phi mã.
Để duy trì sự hồi phục dài hạn của nền kinh tế, Thủ tướng S.Abe sẽ phải thực hiện một cuộc cải tổ sâu rộng. Nó bao gồm các giải pháp tăng cường nguồn nhân lực có khả năng hoạt động hiệu quả ở nước ngoài và tạo môi trường làm việc tốt hơn cho phụ nữ, phá vỡ tính cứng nhắc của thị trường lao động, cải thiện giáo dục, mở ra lợi ích cho sự cạnh tranh, khuyến khích cải tiến và kích thích đầu tư kinh doanh... Vì vậy, những tháng tới đây sẽ có ý nghĩa rất quan trọng với triển vọng kinh tế Nhật Bản.
Hiện tại, các nhà đầu tư đang chờ đợi Chính phủ của Thủ tướng S.Abe công bố lộ trình cụ thể cho những thay đổi lớn mang tính cơ cấu cho nền kinh tế - mũi tên cuối cùng mang tính quyết định đối với thành công của học thuyết Abenomics. Nếu Thủ tướng S.Abe do dự, Abenomics có khả năng gặp rủi ro và sẽ chỉ thành công ở phương diện bổ sung thêm… nợ quốc gia cho xứ sở Hoa anh đào.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.