(HNM) - Sau nửa cuối năm 2020 đạt tốc độ tăng trưởng hai con số, nền kinh tế Nhật Bản ghi nhận sự suy giảm mạnh trong quý I-2021. Giới phân tích nhận định, đây là điều khó tránh trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp. Do đó, Chính phủ của Thủ tướng Suga Yoshihide đang cố gắng thúc đẩy hàng loạt giải pháp, tìm cách đưa đất nước trở lại quỹ đạo phát triển.
Số liệu do Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố ngày 18-5 cho thấy, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của nước này giảm 5,1% trong quý I-2021 so với cùng kỳ năm 2020. Đây là lần đầu tiên GDP thực tế của Nhật Bản suy giảm sau hai quý phục hồi liên tiếp, với con số giảm vượt xa mọi dự đoán trước đó. Cùng giai đoạn này, GDP danh nghĩa của Nhật Bản giảm 1,6% so với quý trước đó và 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung cả tài khóa 2020, GDP thực tế của Nhật Bản giảm 4,6% so với tài khóa trước đó. Đây là mức sụt giảm mạnh nhất kể từ khi Nhật Bản bắt đầu thu thập dữ liệu về GDP vào năm 1955 và là năm thứ hai liên tiếp nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này rơi vào suy thoái. Mức sụt giảm mạnh nhất trước đó là 3,6% được ghi nhận trong tài khóa 2008, chủ yếu do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Nguyên nhân chính khiến GDP của Nhật Bản sụt giảm là các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiêu dùng cá nhân, yếu tố chiếm hơn 50% GDP của đất nước Mặt trời mọc. Riêng quý I-2021, do tác động của đại dịch Covid-19, Chính phủ Nhật Bản hai lần phải ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận, sau đó mở rộng ra 11 trong số 47 tỉnh, thành phố ở nước này.
Theo giới phân tích, việc hạn chế người dân ra ngoài cùng với việc nhà hàng, khách sạn và du lịch bị giới hạn hoạt động... đã khiến tiêu dùng cá nhân giai đoạn này sụt giảm 1,4%. Cùng với đó, đầu tư cố định cũng giảm 1,4% thay vì tăng 1,1% như dự báo. Khó khăn chồng chất khiến GDP Nhật Bản suy giảm mạnh, bất chấp xuất khẩu tăng 2,3% nhờ nhu cầu tiêu thụ ô tô và thiết bị điện tử trên toàn cầu phục hồi.
Một số phân tích dự đoán nền kinh tế Nhật Bản sẽ tiếp tục suy giảm trong quý II-2021 bởi từ cuối tháng 4 nước này buộc phải áp đặt thêm tình trạng khẩn cấp lần thứ ba tại Tokyo và 8 tỉnh khác, trong đó có các tỉnh trọng yếu về kinh tế như Hokkaido, Aichi, Hiroshima... Đó là chưa kể 10 tỉnh khác cũng phải áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm do xuất hiện các biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 với tốc độ lây lan nhanh hơn. Đây là lý do khiến Nhật Bản mới đây phải tiếp tục đóng cửa một số cơ sở văn hóa lớn do nhà nước quản lý.
Để sớm đưa đất nước thoát khỏi khó khăn, Chính phủ của Thủ tướng Suga Yoshihide đang cố gắng triển khai hàng loạt giải pháp. Bên cạnh các gói kích thích kinh tế và hỗ trợ người dân, Nhật Bản bảo đảm đến giữa tháng 5 sẽ có đủ bộ xét nghiệm kháng nguyên Covid-19 để thực hiện 8 triệu xét nghiệm cho người dân. Nước này cũng đang dồn sức để tổ chức Thế vận hội Olympic Tokyo, dự kiến diễn ra từ ngày 23-7 đến ngày 8-8. Sự kiện thể thao từng bị hoãn trong năm 2020 này được kỳ vọng sẽ tạo bước ngoặt cho nền kinh tế, đồng thời mang đậm dấu ấn về quyết tâm, năng lực chèo lái kinh tế của nội các Nhật Bản hiện nay. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức không nhỏ khi diễn biến dịch tại xứ sở Hoa anh đào vẫn phức tạp, hiện đã ghi nhận hơn 687 nghìn ca nhiễm Covid-19.
Dù vậy, với tinh thần và ý chí của quốc gia Đông Á từng nhiều lần vươn lên từ khó khăn, Nhật Bản sẽ sớm vượt qua khó khăn nhất thời để trở lại quỹ đạo phát triển, tiếp tục là nền kinh tế hàng đầu thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.