(HNNN) - Với mục tiêu phát triển kinh tế ban đêm trở thành hoạt động mang tính điểm nhấn của du lịch Thủ đô, thời gian qua, quận Hoàn Kiếm đã xây dựng “Đề án tổ chức thí điểm phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm” và sẽ triển khai thí điểm trong thời gian tới.
Hà Nội Ngày nay đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm về phương hướng phát triển loại hình kinh tế đặc biệt này, nhất là khi Hà Nội cùng lúc thực hiện “nhiệm vụ kép” - vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả vừa phát triển kinh tế - xã hội.
- Quận Hoàn Kiếm là nơi thu hút nhiều khách du lịch nhất của Hà Nội do là trung tâm của Thủ đô, lại sở hữu hàng loạt danh thắng, di tích đặc trưng của đất Kẻ Chợ xưa. Theo ông, đó có phải là lợi thế để phát triển kinh tế ban đêm?
- Không thể phủ nhận quận Hoàn Kiếm hiện đang nắm giữ nhiều lợi thế sẵn có để phát triển kinh tế ban đêm. Bên cạnh bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa Thăng Long - Hà Nội, quận Hoàn Kiếm còn có tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, chất lượng với 190 di tích, trong đó nhiều di tích có giá trị tiêu biểu của Thủ đô và đất nước như đền Bạch Mã, hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn, khu phố cổ Hà Nội và các công trình kiến trúc, văn hóa, tôn giáo lớn như Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, chùa Quán Sứ... Ngoài ra, quận Hoàn Kiếm còn là nơi tập trung nhiều cơ sở lưu trú, doanh nghiệp lữ hành...; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, thu hút một lượng lớn du khách trẻ tuổi...
Với những lợi thế đó, kinh tế ban đêm đã hình thành ở quận Hoàn Kiếm từ nhiều năm nay với các loại hình như: Các không gian đi bộ, chợ đêm, tuyến phố ẩm thực, cửa hàng tiện lợi, quán cà phê ca nhạc, karaoke và các sự kiện, chương trình văn hóa nghệ thuật, giải trí trong nhà và ngoài đường phố...
Đặc biệt, thực hiện chủ trương của Thành phố, từ tháng 9-2016 đến nay, UBND quận đã tổ chức thí điểm mở rộng khung thời gian kinh doanh đến 2h các ngày cuối tuần đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn quận. Chủ trương này giúp tạo thêm không gian vui chơi, thu hút du khách khi đến với Thủ đô và quận Hoàn Kiếm, đáp ứng nhu cầu giải trí, giao lưu, tìm hiểu cuộc sống ban đêm của du khách, đặc biệt là du khách quốc tế, tăng thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của du khách. Doanh thu khoán bình quân một tháng trong năm 2017 của các cơ sở tham gia thí điểm tăng 55% so với năm 2016, năm 2018 tăng 30% so với năm 2017, năm 2019 tăng 10% so với năm 2018.
- Sở hữu điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế ban đêm, tuy nhiên, có ý kiến cho rằng quận Hoàn Kiếm chưa khai thác được hết lợi thế sẵn có, vẫn thiếu nhiều địa điểm vui chơi giải trí, chương trình văn hóa nghệ thuật về đêm. Ông đánh giá như thế nào về nhận xét này?
- Đúng là bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động kinh tế ban đêm trên địa bàn quận vẫn còn không ít hạn chế, đòi hỏi phải nỗ lực cải thiện đồng bộ. Cụ thể: Các sản phẩm du lịch, dịch vụ còn đơn điệu và phát triển ở quy mô nhỏ, hiện tại chỉ mới tập trung vào các hoạt động ẩm thực, chợ đêm hoặc phố đi bộ. Các hoạt động giải trí, biểu diễn nghệ thuật vào ban đêm, hệ thống cửa hàng, siêu thị, khu mua sắm đêm sầm uất chưa được hình thành một cách đồng bộ, bài bản, tầm cỡ.
Bên cạnh đó, các sản phẩm, dịch vụ du lịch đêm như tham quan di tích lịch sử, văn hóa chưa thực sự phát triển. Hoạt động kinh doanh đêm chưa mang tính bền vững, chất lượng chưa cao. Nhiều điểm du lịch, một số cơ sở kinh doanh về đêm, đặc biệt là dịch vụ ăn uống và vận chuyển vận hành thiếu chuyên nghiệp, còn hiện tượng “chặt chém” du khách; các phố ẩm thực đêm chưa bảo đảm tiêu chuẩn, tiêu chí về chất lượng, đồng thời các quy định về vệ sinh đô thị chưa được tuân thủ chặt chẽ.
Việc phát triển kinh tế đêm tiềm ẩn rủi ro, thách thức liên quan tới vấn đề an ninh trật tự. Các vấn đề về tiếng ồn, ánh sáng, rác thải, phòng cháy chữa cháy, tình trạng chiếm dụng trái phép không gian công cộng phục vụ cho hoạt động kinh doanh và tệ nạn xã hội có phát sinh khó lường, gây khó khăn cho công tác quản lý. Công tác kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, rủi ro dịch bệnh, chất lượng, xuất xứ và giá cả hàng hóa được bày bán tại các khu vực hoạt động kinh tế đêm còn nhiều hạn chế...
- Vậy quận Hoàn Kiếm đã làm gì để ứng phó với những vấn đề ông vừa nêu?
- Để giải quyết những vấn đề trên, quận Hoàn Kiếm đề ra các giải pháp cụ thể sau: Tăng cường tuyên truyền, giáo dục và trang bị kiến thức về bảo đảm an ninh trật tự đô thị, văn minh thương mại, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cơ sở kinh doanh đêm; Tăng cường nhân lực quản lý, kiểm tra, giám sát bảo đảm an ninh trật tự, văn minh thương mại, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng chống ô nhiễm ánh sáng, tiếng ồn... và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để bảo đảm quyền lợi và sự an toàn cho nhân dân, du khách cũng như các cơ sở kinh doanh đêm; Nghiên cứu các mô hình hiệu quả về công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho các hoạt động kinh doanh dịch vụ ban đêm. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, xử lý nghiêm và công khai các trường hợp vi phạm quy định về an ninh trật tự và an toàn giao thông để tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật trong cộng đồng.
- Kinh tế ban đêm mới manh nha phát triển thì dịch Covid-19 xuất hiện, quận Hoàn Kiếm có sự chuẩn bị gì để phát triển kinh tế ban đêm, cùng lúc thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội?
- Trong thời gian qua, quận đã nghiên cứu xây dựng và hoàn thành “Đề án tổ chức thí điểm phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm” và sẽ triển khai thí điểm trong thời gian tới. Cụ thể, quận sẽ khai thác có hiệu quả hoạt động của Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận như đẩy nhanh các dự án cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm, triển khai hệ thống chiếu sáng, triển khai các hoạt động lễ hội đường phố lớn hội tụ sắc thái các vùng miền của quốc gia và Thủ đô, tạo sức hấp dẫn, thu hút các nguồn lực để quận Hoàn Kiếm trở thành “điểm đến, điểm hẹn, điểm nhấn” của du lịch Thủ đô.
Đối với không gian đi bộ trong khu phố cổ, quận sẽ tập trung làm mới nội hàm, tăng cường khai thác giá trị du lịch di sản kết hợp với các hoạt động ẩm thực, chương trình văn hóa nghệ thuật, các hoạt động vui chơi giải trí. Đồng thời, quận sẽ phát triển Không gian văn hóa, dịch vụ, thương mại, du lịch Phùng Hưng - Gầm Cầu (đã được UBND Thành phố, Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch thành phố Hà Nội thông qua) để tổ chức không gian đi bộ Phùng Hưng - Gầm Cầu; phát triển tuyến phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Tống Duy Tân - Cấm Chỉ; phát triển tuyến phố Hàng Khay - Tràng Tiền đến Nhà hát Lớn thành tuyến phố đi bộ kết hợp trung tâm thương mại; xây dựng phương án vận hành, khai thác đoạn phố Tràng Tiền 1 và Tràng Tiền 2 (phân tách bởi phố Ngô Quyền) thành tuyến phố trình diễn nghệ thuật thời trang kết hợp nghệ thuật ẩm thực...
Để hoàn thành được kế hoạch đó, ngay từ bây giờ quận Hoàn Kiếm đã tiến hành quán triệt, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, đánh giá vai trò của kinh tế ban đêm trong bộ máy quản lý nhà nước từ quận đến phường; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung và sự cần thiết của việc phát triển kinh tế ban đêm để các tầng lớp nhân dân được biết, tạo sự đồng thuận khi triển khai; tăng cường tuyên truyền, giáo dục và trang bị kiến thức về bảo đảm tuân thủ các quy định về an ninh trật tự, trật tự đô thị, văn minh thương mại, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cơ sở kinh doanh tham gia kinh tế ban đêm.
Quận Hoàn Kiếm xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế đêm gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Cuối cùng, quan trọng nhất là việc cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng chủ động hỗ trợ các chủ thể tham gia kinh tế ban đêm, đẩy mạnh xúc tiến du lịch, quảng bá các hoạt động kinh tế ban đêm... để phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động của loại hình kinh tế đặc biệt này.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.