Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh phí ít, cơ sở vật chất nghèo nàn

Bạch Thanh| 19/01/2015 06:37

(HNM) - Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vừa sơ kết 5 năm thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Qua 5 năm, đã có hàng triệu nông dân tìm được việc làm, mở rộng sản xuất từ chương trình đào tạo nghề nông thôn song kinh phí ít, cơ sở vật chất nghèo nàn, hình thức đào tạo đơn điệu... đang là những rào cản để đề án cán đích vào năm 2020.

Học nghề thêu của làng nghề Quất Động, huyện Thường Tín (Hà Nội). Ảnh: Bảo Lâm


Theo ông Nguyễn Văn Đại, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Hội Nông dân Việt Nam, việc dạy nghề đã tập trung vào ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế trang trại... Các ngành nghề đang dần phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng và gắn với tạo việc làm tại chỗ hoặc nhu cầu lao động của thị trường. Tỷ lệ dạy nghề nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 82%; dạy nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chiếm 13% và du lịch, dịch vụ chiếm 5%. Đặc biệt, có 437 mô hình dạy nghề gắn với phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi; trong đó có 365 mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, 72 mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Đi đôi với dạy nghề, các cấp hội còn chú trọng tổ chức các hoạt động hỗ trợ nông dân sau khi học nghề như cho vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân trên 1.673 tỷ đồng; tín chấp vay vốn từ Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội với dư nợ hơn 61.818 tỷ đồng; tổ chức dịch vụ hàng trăm nghìn tấn vật tư, phân bón, giống, hàng nghìn máy nông nghiệp theo phương thức trả chậm; tổ chức tiêu thụ sản phẩm; thành lập các câu lạc bộ nghề, các tổ hợp tác, HTX... để liên kết trong sản xuất, kinh doanh. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, phần lớn nông dân sau khi học nghề có việc làm ổn định (gần 95%) và 80% đối với phi nông nghiệp.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lều Vũ Điều thừa nhận, hiện vẫn còn một số tỉnh, thành hội chưa thành lập được Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân hoặc đổi tên theo đúng quy định nên chưa được trực tiếp tham gia dạy nghề. Số giáo viên, cán bộ dạy nghề còn quá ít, nghiệp vụ sư phạm còn hạn chế. Điều kiện cơ sở vật chất phục vụ dạy nghề cho nông dân còn thiếu, có nơi chưa có. Chương trình, giáo trình, học liệu thiếu hoặc chưa phù hợp với điều kiện thực tế; hình thức dạy nghề đơn điệu và chưa phong phú.

Đào tạo nghề cho nông dân để chuyển đổi nghề nghiệp sau thu hồi đất là việc làm khó nhưng nếu đào tạo thành công, người lao động có việc làm thì thu nhập lại cao hơn rất nhiều lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Dù vậy, kinh phí cũng như điều kiện cho lĩnh vực này chưa thực sự được quan tâm đúng mức.

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, các tỉnh, thành hội đều có Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân; bình quân mỗi năm tổ chức dạy nghề cho trên 200.000 nông dân; tỷ lệ nông dân sau khi học nghề có việc làm mới hoặc tự tạo việc làm, mở rộng sản xuất, kinh doanh, đi làm có thời hạn ở nước ngoài đối với lĩnh vực nông nghiệp đạt trên 95%, phi nông nghiệp hơn 80%. Để đạt được mục tiêu nêu trên, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đề nghị Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mỗi năm bố trí từ 25 đến 30 tỷ đồng để tổ chức tuyên truyền, dạy nghề, tư vấn..., đồng thời, nâng độ tuổi học nghề đối với nghề nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nam từ 16 đến 65 tuổi, nữ từ 16 đến 60 tuổi; tăng mức hỗ trợ dạy nghề từ 3 triệu đồng/người/khóa học, lên 4 triệu đồng/người/khóa học.

Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ việc làm nông dân Hà Nội Nguyễn Công Dinh cho biết: Qua 5 năm thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề cho nông dân, đến nay đơn vị vẫn chưa được bố trí quỹ đất để đầu tư cơ sở vật chất. Mặc dù đã rất cố gắng nhưng trung tâm mới chỉ được cấp phép đào tạo 10 nghề, trong đó 7 nghề nông nghiệp và 3 nghề phi nông nghiệp. Đối với nhóm nghề nông nghiệp nông dân đánh giá cao, nhiều mô hình đào tạo nghề nông như trồng rau hữu cơ, trồng hoa cây cảnh... đã giúp nông dân làm giàu. Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa nhanh, nông dân ở nhiều quận, huyện không còn đất sản xuất phải chuyển đổi nghề nghiệp nhưng nhiều nghề phi nông nghiệp phù hợp với nông dân như nghề quản lý nhà trẻ, quản lý nhà trọ, quản lý, hạch toán trang trại... chưa có trong danh mục nên chưa được cấp phép đào tạo.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kinh phí ít, cơ sở vật chất nghèo nàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.