Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh nghiệm làm đường “siêu rẻ” ở Đan Phượng

Nguyễn Mai| 31/05/2013 06:10

(HNM) - Với những cách làm linh hoạt, sáng tạo, huyện Đan Phượng đã không chỉ huy động được sức dân mà còn tiết kiệm được một nguồn kinh phí lớn.

Chỉ trong vòng một tháng triển khai, 116 tuyến giao thông nội đồng trên địa bàn huyện Đan Phượng đã được hoàn thành. Đây quả là một kỳ tích. Lão nông Phạm Quang Viễn, cụm 5, xã Hồng Hà chỉ tay về phía con đường mới hoàn thành còn trắng màu bê tông mới vui mừng cho biết: Có đường mới, vụ lúa xuân này nông dân chúng tôi thu hoạch sẽ rất thuận lợi bởi không còn phải đi trên những con đường mương đất nhỏ bé và lầy lội như trước. Theo Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Văn Vũ, chương trình nâng cấp công trình giao thông, thủy lợi nội đồng được huyện Đan Phượng đồng loạt triển khai tại 16 xã với tổng chiều dài 71,6km. Trong đó, dẫn đầu là xã Thọ Xuân triển khai xây dựng 16 tuyến đường với chiều dài gần 7,5km, xã Tân Hội làm 9 tuyến với chiều dài hơn 8km, xã Tân Lập làm 10 tuyến với chiều dài gần 4,5km… Theo dự toán, tổng kinh phí để cứng hóa các tuyến đường này khoảng 55 tỷ đồng. Tuy nhiên, huyện đã vận động các doanh nghiệp làm hạ tầng ủng hộ phong trào chung sức xây dựng NTM không lấy lợi nhuận nên kinh phí đầu tư chỉ có 31 tỷ đồng.

Đường làng ngõ xóm tại xã Song Phượng (huyện Đan Phượng) đã được xây dựng, cải tạo thuận tiện cho người dân. Ảnh: Thái Hiền


Thấy chúng tôi tỏ vẻ băn khoăn về chất lượng công trình khi doanh nghiệp giảm lợi nhuận, Chủ tịch UBND huyện Đinh Hữu Hạnh quả quyết, việc giám sát các công trình này hết sức chặt chẽ nên không thể thất thoát. Mọi vật liệu như xi măng, cát sỏi đều được tính toán cụ thể và giao cho các địa phương quản lý. Trong quá trình thi công, ngoài việc giám sát của chính quyền còn có sự giám sát của các ban giám sát cộng đồng và người dân. "Một việc rất nhỏ như đối với xi măng, Ban chỉ đạo chương trình cho in lên vỏ bao dòng chữ: "Xi măng phục vụ chương trình xây dựng NTM" nên không ai dám lấy cắp. Nếu có lấy cắp mang ra ngoài cũng rất dễ bị phát hiện" - Ông Hạnh cho biết.

Cũng theo ông Hạnh, trong thời buổi kinh tế khó khăn, việc vận động doanh nghiệp tham gia thi công các công trình giao thông trên địa bàn cũng chính là đồng hành cùng doanh nghiệp tạo việc làm cho người lao động. Lãnh đạo huyện đã mời các doanh nghiệp làm hạ tầng trên địa bàn họp bàn, kêu gọi chung tay xây dựng NTM. Sau nhiều cuộc họp, 16 doanh nghiệp của huyện đã nhất trí ký hợp đồng xây dựng các công trình hạ tầng với giá thấp nhất. Quá trình duyệt hồ sơ, đích thân các thành viên trong Ban Thường vụ, Thường trực Huyện ủy xuống tận cơ sở, duyệt từng tuyến đường, chọn phương án thi công phù hợp với nhu cầu thực tế và kinh phí. Nhờ vậy đã giảm được tối đa kinh phí.

Thực tế, trước khi HĐND TP có Nghị quyết số 04 và UBND TP có Quyết định số 16 về thí điểm một số chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM, huyện Đan Phượng đã có chính sách hỗ trợ 29%, từ đó động viên được nhân dân nhiều xã trên địa bàn huyện tự nguyện đóng góp công sức, tiền của xây dựng đường làng, ngõ xóm. Sau khi có Nghị quyết 04/NQ-HĐND và Quyết định số 16/QĐ-UBND, huyện Đan Phượng đã chủ động rà soát các tuyến đường ngõ xóm, các trục chính giao thông nội đồng, liên hệ với các đơn vị cung ứng xi măng, cát sỏi... ứng trước vật liệu cho nhân dân. Từ đó động viên nhân dân đóng góp công sức và nguyên vật liệu xây dựng đường giao thông thôn xóm theo thiết kế, dự toán đã được UBND huyện phê duyệt. Nhờ cách làm này mà chỉ trong một thời gian ngắn, huyện đã hoàn thành trên 2.000 tuyến giao thông nông thôn và giao thông nội đồng với kinh phí đầu tư trên 200 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước chỉ phải chi 50%, phần còn lại là đóng góp tự nguyện của nhân dân và doanh nghiệp, góp phần hoàn thành tiêu chí giao thông trong đề án xây dựng NTM của các xã.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kinh nghiệm làm đường “siêu rẻ” ở Đan Phượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.