(HNMO) - Ấn tượng mạnh nhất của ông đối với tôi là lần gặp ở Hà Giang hồi tháng 6/2008, khi một mình ông đứng lên dõng dạc hùng biện bảo vệ thành công cho lẽ phải của Cty Sông Lô và báo “Người cao tuổi” trước nhiều áp lực từ phía chính quyền cùng các cơ quan ngôn luận của Hà Giang. Ông là Kim Quốc Hoa, người từng 6 lần giữ trọng trách “thủ lĩnh” của 6 tờ báo
Sau này về Hà Nội tôi mới được biết, nhà báo Kim Quốc Hoa là một trong những bậc đàn anh đáng kính nể, người hiếm hoi giữ kỉ lục về vị trí lãnh đạo trong nhiều cơ quan báo chí. Cho tới nay ông đã từng 6 lần làm “thủ lĩnh” ở 6 cơ quan báo chí của Việt Nam, trong đó ông có công sáng lập 4 tờ, đồng thời cải tổ 2 tòa soạn cùng các ấn phẩm theo báo để cơ quan báo chí này cũng phát triển đi lên…
Sinh năm 1945 tại Phú Xuyên, Hà Tây (cũ), nhà báo Kim Quốc Hoađã có một phần tư thế kỉ là người lính. Ông nhập ngũ tháng 2/1966 và được chọn sang Trung Quốc học về kĩ thuật quốc phòng. Việc học của ông bị dở dang bởi xảy ra “Đại cách mạng văn hóa” ở nước bạn. Thế rồi ông được đưa vào quân số của Tổng cục Hậu cần, tham gia phục vụ cho chiến trường miền
Đầu thập kỉ 90 ở Hà Nội có tờ báo Tuổi trẻ Thủ đô đang trong giai đoạn khủng hoảng với đầy rẫy khó khăn: Lượng phát hành thấp, nợ nhà in cả đống, trong khi tiền trả nhuận bút và lương cho phóng viên vài tháng không có. Tờ báo đang đứng trên bờ của sự tan vỡ… Đúng lúc đó Trung tá Kim Quốc Hoa được Thành đoàn Hà Nội mời về làm Tổng biên tập để chèo lái con thuyền “Tuổi trẻ Thủ đô” vốn đang tả tơi, ngắc ngoải. Với tâm huyết của người say nghề cùng sự mở rộng của cơ chế, nhà báo Kim Quốc Hoa (lúc đó đang ở tuổi 45 năng động) đã khéo léo tổ chức lại tờ báo, quy tụ, sử dụng những người tài nâng cao chất lượng nội dung, đồng thời đẩy mạnh công tác phát hành, từng bước vực tờ báo đi lên. Lượng phát hành từ chỗ 1.200 – 1.500 bản/kì bỗng tăng vọt lên 6000 – 8000 bản/kì. Sau 3 năm báo Tuổi trẻ thủ đô đã len lỏi tới nhiều tổ chức đoàn cơ sở và số lượng phát hành đã tăng tới 20 ngàn bản/kì, gây dấu ấn khá đậm nét (hồi đó) cho một tờ báo của Đoàn thanh niên Hà Nội…
Những tờ báo do chính tay người lính Kim Quốc Hoa gây dựng nên phải kể tới các tờ Lao động – Xã hội (Bộ LĐ – TBXH), tờ báo Xây dựng (Bộ Xây dựng), và Tạp chí Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (Hiệp hội DNĐTNN). Cứ nơi nào khó, cần khai phá mở đường là người ta lại mời anh, và trên thực tế ở cương vị đứng đầu, chỉ đạo tờ báo Kim Quốc Hoa đều làm xuất sắc nhiệm vụ, đưa các tờ báo trên đi lên từ không tới có, và phát triển cho tới nay. Đơn cử như tờ Xây dựng xuất phát điểm chỉ có 60 triệu đồng (được Bộ XD cấp) cùng một ga-ra ô-tô được cải tạo lại làm văn phòng với vài bộ bàn ghế cũ cơ quan Bộ bỏ đi. Vậy mà chỉ sau hơn 3 tháng tờ báo đã ra được đều đặn mỗi tuần một với số lượng phát hành khá tốt. Sau 1 năm báo ra 2 kì/tuần, không những thế còn làm thành công số báo đặc biệt, kỉ niệm 40 năm thành lập ngành Xây dựng, đồng thời còn ra thêm ấn phẩm cuối tháng, thành lập các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú nhiều nơi…
Nhưng có lẽ thành công nhất của nhà báo Kim Quốc Hoa lại là giai đoạn “Xế chiều, đứng bóng”. Ở tuổi 63 (năm 2007) đối với nhiều người đã là lúc nghỉ ngơi, vui vầy cùng con cháu, nhưng với ông thì không phải như vậy. Trước những bê bối khó tháo gỡ kéo dài của tờ báo “Người cao tuổi” Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đã tìm tới người lính già Kim Quốc Hoa để “chọn mặt gửi vàng”. Dường như Kim Quốc Hoa có cái nghiệp “sinh ra để làm báo” và cho tới già cái nghiệp làm “Tổng biên tập” cũng không chịu “buông tha” ông! Sau nhiều lần được thuyết phục, tháng 3/2007 nhà báo Kim Quốc Hoa đã chính thức nhận vị trí TBT báo Người cao tuổi với “một núi” khó khăn phải giải quyết (BBT cũ không chịu bàn giao, nợ nần hàng tỉ đồng, chất lượng tờ báo xuống cấp nghiêm trọng, phát hành kém, tài chính bê bối…). Vậy mà, với quyết tâm sắt đá của người lính đã được tôi luyện, chỉ khoảng hơn nửa năm tờ báo Người cao tuổi đã như được “lột xác”, khác hẳn với gương mặt trước đây: Báo tăng trang, tăng kì, thay đổi, bổ sung chuyên mục, ra mắt trang website, lượng phát hành tăng gần gấp 2 lần, được đông đảo các cụ về hưu rất hoan nghênh. Đặc biệt về nội dung đã có nhiều bứt phá với nhiều bài điều tra, phóng sự mạnh tay, vạch trần nhiều vụ tiêu cực, tham nhũng trong xã hội và tại các cơ quan công quyền của Nhà nước được đông đảo bạn đọc cả nước quan tâm (Công ty xây dựng Bến Tre, Một vụ án vắt qua 2 thế kỉ, Chủ tịch UBND Hà Giang coi thường pháp luật, Làm xiếc qua mặt lãnh đạo Hưng Yên…). Không ít bài điều tra của báo Người cao tuổi đã gây chấn động dư luận, góp phần nâng cao uy tín tờ báo lên rất nhiều. Bằng chứng là trên sạp hiện nay số người hỏi mua báo Người cao tuổi ngày càng tăng và vị thế của tờ báo ngày càng được nâng lên trong mắt của những người làm báo, năm 2010 sản lượng phát hành gấp 4 lần năm 2006…
Có thể nói rằng: Kim Quốc Hoa là người tổ chức, quản lý làm báo giỏi trong cơ chế thị trường, bởi 5 trong 6 tờ báo mà ông đã tổ chức, quản lí thành công (trừ tờ Chiến sĩ hậu cần) đều phải tự bươn chải, cân đối, tự hạch toán mà không hề được hưởng chế độ bao cấp của nhà nước. Tâm sự về điều này, TBT báo Người cao tuổi, nhà báo Kim Quốc Hoa cho rằng, giống như việc quản lí DN, một tờ báo không được bao cấp muốn “ăn nên, làm ra” cần phải có một bộ máy đủ mạnh với đội hình đồng bộ, biết cùng kham cộng khổ với mình. Việc tuyển chọn người giúp việc là khâu quan trọng nhất, bởi TBT không thể giỏi tất cả. Vấn đề là phải biết sử dụng cấp dưới giỏi hơn mình từng mặt để tập hợp họ lại thành một đội ngũ giỏi, chung sức xây dựng tờ báo. Đấy mới là cái giỏi của người lãnh đạo!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.