(HNMO) – Chiều 5-4, Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+) |
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong quý 1-2019 là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 12,3%, tuy thấp hơn mức tăng 14,3% của quý 1-2018, nhưng vẫn là điểm sáng, đóng góp chính vào tăng trưởng của khu vực công nghiệp và tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Nguyên nhân xuất phát từ một số dự án lớn có đóng góp cho tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp như: Nhà máy Lọc đầu Nghi Sơn gặp sự cố về điện nên phải tạm dừng sản xuất trong tháng 2; Samsung đang ở chu kỳ chuyển đổi sản phẩm, nên sản lượng và xuất khẩu chỉ tăng khoảng 1,02%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ.
Dự kiến, từ nay đến cuối năm, một số dự án lớn hoàn thành sẽ đóng góp vào tăng trưởng của ngành công nghiệp và tăng trưởng chung của nền kinh tế. Cụ thể, thép Formosa Hà Tĩnh sẽ phát huy hết công suất với khoảng 7,5 triệu tấn/năm; thép Hòa Phát Dung Quất dự kiến đi vào sản xuất trong năm 2019, nếu huy động hết công suất sẽ sản xuất khoảng 2 triệu tấn; dự án ô tô Vinfast đi vào sản xuất từ tháng 4-2019 có thể sản xuất hàng chục nghìn xe ô tô tùy theo nhu cầu thị trường…
Tính chung quý 1-2019, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 58,5 tỷ USD, tăng 4,7%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 57,9 tỷ USD, tăng 8,9%. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 13 tỷ USD, tăng 26%. Tiếp đến là thị trường EU đạt 10,2 tỷ USD, tăng 2,5%...
Tại buổi họp báo, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Lê Việt Nga cho biết, theo thống kê nhanh, giá thịt lợn đã ấm lên ở cả 3 miền Bắc-Trung-Nam, tăng từ 1.000-3.000 đồng/kg. Dự đoán, trong thời gian tới dịch bệnh được kiểm soát thì giá thịt lợn sẽ tốt hơn và tạo điều kiện cho người chăn nuôi tái đàn.
Về việc các siêu thị như BigC, Co.opmart, VinMart … dùng lá chuối để gói thực phẩm, bà Lê Việt Nga khẳng định, đây là sự kiện đáng hoan nghênh để bảo vệ môi trường sống, qua đó góp phần tuyên truyền vận động người dân hướng tới sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại, bên cạnh việc kiên trì thực hiện các giải pháp căn cơ, dài hạn nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện một số giải pháp quan trọng. Theo dõi sát biến động của tình hình thế giới, đặc biệt là diễn biến cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc để chủ động công tác điều hành, có biện pháp thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng có khả năng tận dụng cơ hội để xuất khẩu; siết chặt công tác quản lý trước nguy cơ gian lận thương mại và gian lận xuất xứ hàng hóa...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.