Nông nghiệp - Nông thôn

Kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 2,97 tỷ USD nhờ giá tăng mạnh

Đỗ Minh 31/08/2023 - 17:13

8 tháng năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,21 triệu tấn, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước song kim ngạch đạt 2,97 tỷ USD, tăng 3,3%...

Theo Bộ NN&PTNT, giá trị xuất khẩu cà phê tăng trong khi sản lượng giảm là do giá xuất khẩu mặt hàng này tăng mạnh trong thời gian qua.

Ghi nhận mức cao mới trong tháng 8, giá xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt 2.963 USD/tấn, tăng 4,8% so với tháng 7 và tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 8 tháng đầu năm, giá xuất khẩu trung bình đạt 2.459 USD/tấn, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước.

Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam dự báo, năm 2023, cả nước xuất khẩu khoảng 1,718 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 4,2 tỷ USD - mức cao kỷ lục từ trước đến nay.

caphe(1).jpg
Sơ chế cà phê tại Lâm Đồng.

Bên cạnh thuận lợi, mặt hàng này cũng đối diện khó khăn khi nguồn cung trong nước giảm. Bộ NN&PTNT cho biết, sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2022-2023 giảm 6% so với niên vụ trước, xuống còn 29,7 triệu bao (60kg/bao). Đặc biệt, Việt Nam là nước sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới song thu hoạch niên vụ này thấp nhất trong 4 năm qua, do chi phí sản xuất (nhân công, phân bón) cao hơn, nông dân có xu hướng chuyển sang cây trồng có lợi nhuận cao hơn như bơ, sầu riêng, chanh dây...

Nhằm nâng cao chất lượng và giá cà phê xuất khẩu, nâng tầm sản phẩm cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới, Bộ NN&PTNT và các địa phương vùng Tây Nguyên đang thực hiện đề án xây dựng vùng nguyên liệu cà phê đạt chuẩn thế giới.

Bộ NN&PTNT cho biết, với đề án xây dựng vùng nguyên liệu cà phê đạt chuẩn, sẽ có khoảng 19.700ha cà phê được triển khai tại 4 tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum, Đắk Nông; có 64 hợp tác xã với 5.230 hộ được hưởng thụ từ dự án. Giải pháp xây dựng nguồn nguyên liệu cà phê kỳ vọng giúp hạt cà phê Việt Nam thoát cảnh "được mùa - mất giá", nâng cao giá trị và xây dựng thành công thương hiệu cà phê Việt chất lượng cao.

Hiện nay, Việt Nam là điểm đến của nhiều tập đoàn lớn sản xuất cà phê. Bộ NN&PTNT xác định cần xây dựng vùng nguyên liệu cà phê đạt chuẩn ở các vùng trọng điểm nhằm bảo đảm yêu cầu xuất khẩu. Theo thống kê, diện tích trồng cà phê bền vững Việt Nam ngày càng tăng.

Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk hiện có gần 46.000ha cà phê áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững, có chứng nhận của Việt Nam và quốc tế. Tỉnh này đã tổ chức tập huấn kỹ thuật quy trình sản xuất cà phê bền vững cho 17.508 hộ nông dân, đang quản lý 19.773ha cà phê. Toàn tỉnh có 54 tổ hợp tác và hợp tác xã sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn quốc tế, diện tích hơn 6.000ha.

Tại Gia Lai, trên địa bàn tỉnh có khoảng gần 46.000ha sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn VietGAP, 4C, Organic, Rain Forest…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 2,97 tỷ USD nhờ giá tăng mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.