(HNMO) - Tối 8-12, tại Hà Nội, vở “Kiều” được biểu diễn trở lại, mở màn cho chương trình nghệ thuật kỷ niệm 70 năm thành lập Nhà hát Kịch Việt Nam (12/1952 - 12/2022).
Vở kịch “Kiều” được nhà văn Nguyễn Hiếu phóng tác từ kiệt tác văn học bất hủ “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du. Tác phẩm được cố Nghệ sĩ nhân dân Anh Tú dàn dựng cho các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam ra mắt năm 2016, tạo được dấu ấn nhất định trong lòng khán giả.
Vở kịch đã chọn những lát cắt khác nhau trong “Truyện Kiều” để phản ánh rõ nét những giá trị hiện thực, phơi bày bộ mặt xã hội phong kiến bất công, đồng thời, phản ánh nỗi khổ đau, bất hạnh của con người, đặc biệt là người phụ nữ trong thời đại phong kiến… Tuy nhiên, nhiều năm nay, vở kịch vắng bóng.
Đáp ứng mong mỏi của khán giả, Nghệ sĩ ưu tú Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam đã chỉ đạo ê kíp tập luyện vở kịch và chọn là tác phẩm mở màn cho chương trình nghệ thuật kỷ niệm dịp này.
Đêm diễn đã thu hút hàng trăm khán giả đến Nhà hát Kịch Việt Nam để thưởng thức và cổ vũ các nghệ sĩ. Vở diễn cũng có sự góp mặt của nhiều thế hệ nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam được yêu mến: Nghệ sĩ nhân dân Lan Hương, Nghệ sĩ ưu tú Kiều Minh Hiếu, Nghệ sĩ ưu tú Mai Nguyên, Nghệ sĩ ưu tú Phú Đôn, Việt Hoa, Quỳnh Hoa, Tô Dũng, Hồ Liên…
Sau vở “Kiều”, Nhà hát Kịch Việt Nam tiếp tục biểu diễn nhiều tác phẩm đặc sắc khác: “Đêm trắng”, “Người trong cõi nhớ”, “Người tốt nhà số 5”, “Bệnh sĩ”, “Bão tố Trường Sơn”, “Điều còn lại” và “Người yêu… Hoa hậu”. Trước khi mở màn chuỗi chương trình nghệ thuật, các vở “Kiều”, “Bão tố Trường Sơn”, “Người yêu… Hoa hậu” đã “cháy” vé.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.