Giải trí

Nhà văn Vũ Hoàng Hoa: Viết là một cuộc gỡ rối tơ lòng

Bình Nguyên Trang 04/12/2023 - 06:50

Với Vũ Hoàng Hoa, văn chương như cuộn tơ lòng, dù đã cố tình quay đi, quên đi... nhưng rồi quá nửa cuộc đời chị lại phải ngồi “gỡ rối”. Với Hoa, viết là để tìm thấy mình một lần nữa. “Bóng rối”, kịch bản được Nhà hát Kịch Việt Nam chính thức công diễn vào đầu tháng 11 vừa qua, đã ra đời theo cách như vậy.

vu-hoang-hoa.jpg

1. Vũ Hoàng Hoa là cái tên mà bạn đọc chưa biết đến nhiều. Hoa sống ở nước ngoài, gần như không tham gia vào đời sống văn nghệ trong nước trong nhiều năm dù đã xuất bản 2 cuốn tiểu thuyết được chú ý vào thời điểm phát hành. Hoa không “rắp tâm” thành nhà văn, nhưng nhu cầu viết, như một cái nghiệp, cứ giục giã, thôi thúc. Để rồi ở thời điểm lẽ ra có thể thảnh thơi hưởng thụ đời sống viên mãn với một gia đình riêng đẹp như mơ, người đàn bà gốc Hà Nội ấy lại cặm cụi với giấy mực. “Mọi người thường bảo mình, tuổi này lo làm đẹp, đi du lịch, giải trí, sao lại rồ lên đi viết kịch bản nhỉ? Mình cũng chẳng biết vì sao, nhưng là phải viết ra, nếu không lòng mình cứ như trăm mối tơ vò” - Hoa nói.

Vũ Hoàng Hoa từng học biên kịch ở khoa Sân khấu và Biểu diễn, Đại học UNSW - Sydney (Australia). Người thầy mà Hoa gần gũi là bà Clare Grant - người thổi bùng ngọn lửa sân khấu âm ỉ trong Hoa suốt từ tuổi thơ - những ngày theo mẹ (NSƯT Kim Thư) đến Nhà hát Kịch Việt Nam xem mẹ tập và biểu diễn. Bà Clare Grant là người đồng sáng lập nhóm kịch đương đại Sydney Front rất nổi tiếng những năm 1980 tại Australia. Rồi Hoa quyết liều với việc viết kịch bản sân khấu, như để trả nợ những ước ao giấu kín hơn nửa cuộc đời, mà phải là kịch đương đại.

2. “Bóng rối” lấy của Vũ Hoàng Hoa rất nhiều thời gian (2 năm, từ 2019 - 2021 để kịch bản hoàn thành), chỉ với cây bút và đối diện chính mình. Với chủ đề đồng tính, “Bóng rối” xoay quanh bi kịch trong một gia đình. Hoa chưa có ý tìm kiếm những gì xa lạ, dị biệt trong nội dung, đề tài. Nhưng Hoa chú trọng cách kể, cách biểu đạt. Cả tuổi thơ sống với mẹ ở Hà Nội, Hoa đã xem quá nhiều vở kịch, với đủ mọi thể loại. Hoa biết khán giả của sân khấu Việt thích gì. Và Hoa cũng biết sân khấu thiếu gì, nhất là trong bối cảnh môn nghệ thuật dù được xem là thánh đường nhưng đang phải chịu lép vế trước các loại hình giải trí khác. Một cái gì mới cho khán giả, đó là điều mà Hoa mong muốn.

Quá trình viết “Bóng rối” giúp Hoa nhận ra rằng, hình như mạch nguồn của mình phải là kịch với những hành động, mâu thuẫn, xung đột, giằng kéo nội tâm nhân vật. Kịch làm Hoa “mệt lử” hơn cả viết tiểu thuyết, nhưng Hoa thấy hạnh phúc. Hạnh phúc hơn nữa khi “Bóng rối” là 1 trong 5 kịch bản lọt vào danh sách đề cử giải thưởng Patrick White 2023 dành cho kịch bản, do Nhà hát Kịch Sydney (Australia) tổ chức hằng năm.

Khởi đầu đó cho phép Vũ Hoàng Hoa tìm kiếm một con đường dễ dàng để phiêu du cùng nghệ thuật. Một vài cánh cửa sân khấu lớn đã mở ra với Hoa. Nhưng, như lúc đầu cầm bút đã xác tín quay về, Hoa muốn những nhân vật của mình sống động trên sân khấu Việt, muốn mang một tiếng nói mới, một sắc thái mới cho những người yêu sân khấu quê nhà. Hoa một mình lặn lội mang “đứa con tinh thần” gửi gắm một vài địa chỉ. Có nơi dành cái lắc đầu cho Hoa, vì “khó”, vì lo ngại khán giả chưa quen những vở diễn “kiểu này”. Có nơi dành lời khuyên là Hoa hãy mang kịch bản về Australia.

Rồi duyên lành tới, “Bóng rối” có được cái gật đầu của đạo diễn trẻ Tạ Tuấn Minh, và lãnh đạo Nhà hát Kịch Việt Nam. Hoa mừng muốn khóc khi vở diễn sẽ được hình hài dần dần trên sân khấu “anh cả đỏ”, nơi mà mẹ của Hoa một đời gắn bó, khóc cười ở đây. Hoa ăn, ngủ với “Bóng rối”, buồn vui mỗi ngày cùng ê kíp dàn dựng. Ba tháng ở lỳ Việt Nam nhìn “Bóng rối” tượng hình, Hoa bảo, vô cùng biết ơn người chồng và gia đình đã thấu hiểu và luôn tạo mọi điều kiện để Hoa được sống trọn vẹn với đam mê.

Tháng 11 vừa qua, Nhà hát Kịch Việt Nam công diễn “Bóng rối”. Đêm diễn chính thức đầu tiên Hoa ngồi dưới hàng ghế khán giả, như đã ngồi suốt 3 tháng trời theo chân các nghệ sĩ tập luyện, nước mắt tuôn rơi. Xúc động vì những nhân vật của mình từ trang bản thảo bước đi trên sân khấu, và nhận về rất nhiều tràng vỗ tay của khán giả. Hoa biết ơn đạo diễn Tạ Tuấn Minh, người bằng tài nghệ và kỹ năng thượng thừa đã kể một cách hấp dẫn cho khán giả những điều mà Hoa muốn gửi gắm. Hoa nói: “Không có Tạ Tuấn Minh thì không có “Bóng rối” trên sân khấu đẹp như thế”.

Vậy “Bóng rối” mang đến những gì? Một cách kể chuyện phi tuyến tính thời gian, không gian, ký ức và hiện tại đan xen, đồng hiện. Đạo diễn sử dụng hình thể nghệ sĩ, mặt nạ, những con rối... là những thủ pháp giàu tính ẩn dụ, khiến cho mỗi lời thoại, mỗi tình huống kịch trở nên đa nghĩa hơn. “Bóng rối” hội tụ một dàn nghệ sĩ đẹp và tài, rất giỏi trong thể hiện tâm lý phức tạp. Bi kịch của một gia đình với những lắt léo, dày vò bởi không ai được (hay dám) là chính mình. Rất nhiều bức màn được phủ lên sự thật, và mỗi người đều cố gắng đến kiệt cùng để tồn tại bên ngoài lớp vỏ của Hạnh phúc. Những dồn nén tột độ đẩy nhân vật đến bờ vực của việc phải dũng cảm “bóc vỏ” mình ra để được thực sự sống, dù đắng cay, nghiệt ngã. “Cần một kinh nghiệm hủy diệt để trưởng thành” - một nhân vật của vở kịch đã nói như thế. “Bóng rối” không phải vở diễn đầu tiên về đề tài đồng tính, nhưng với thông điệp mạnh mẽ của mình, “Bóng rối” góp phần đẩy lùi những định kiến vẫn còn nặng nề trong xã hội...

“Bóng rối” không phải là một vở diễn thuần túy giải trí, dù đạo diễn tinh tế cài cắm nhiều tình tiết mang tính giải trí. “Bóng rối” thuộc thể loại chính kịch, có những trường đoạn khiến ta trùng xuống, nặng. Nhưng may thay, mức độ vừa đủ để cho ta không thể lười nhác khi xem. Có khi ta phải tự vấn, có khi ta phải tự trả lời, có khi ta đau nhói và có khi ta nhẹ lòng. Những cung bậc đó dội vào cảm xúc người xem, trong vài tiếng đồng hồ dưới hàng ghế, xứng đáng để ta rời nhà đến nhà hát.

vu-hoang-hoa-1.jpg
Cảnh trong vở "Bóng rối", kịch bản Vũ Hoàng Hoa do Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng.

3. Không hề quá khi nói rằng, chỉ trong những đêm diễn đầu tiên, “Bóng rối” đã khơi gợi hy vọng mới cho đời sống sân khấu. Công chúng đang cần những vở diễn với cách kể chuyện “khác đi”. Để chống lại những nệ xưa, cũ mòn, lạc hậu. Sân khấu luôn cần những xôn xao màu sắc mới như vậy, để xóa bớt cái nhàm tẻ bấy lâu.

Nghệ thuật luôn cần những tương tác đầy cảm xúc giữa người sáng tạo, người thưởng thức và người quan sát. Tôi viết về Vũ Hoàng Hoa như một người quan sát. Có thể vì quá cảm mến sự trở về, sự bắt đầu của Hoa ở thời điểm không còn trẻ, để làm ra một “Bóng rối” nhiều màu sắc và dư âm đẹp vừa qua, tôi mạnh dạn kỳ vọng vào những lộng lẫy tiếp sau của Hoa, cho sân khấu. Có sẵn cơn cớ để tin vào điều đó, rằng Hoa có sẵn một mạch nguồn, nó đã được khơi thông sau nhiều năm tháng vật vã. Vì rằng Hoa đã trót sinh ra trong một gia đình có ông nội là nhà văn Vũ Ngọc Phan, bà nội là nữ sĩ Hằng Phương, mẹ là NSƯT Kim Thư, chú là Giáo sư - Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng, cô là họa sĩ Vũ Giáng Hương... Lớn lên từ một truyền thống gia đình như thế, làm nghệ thuật với Hoa có thể là định mệnh. Hoa đã bỏ lại nhiều thứ để dấn thân vào kịch, ở thời điểm mà nếu có danh (hay lợi) cũng chả còn quan trọng mấy. Đơn giản là Hoa cần phải viết, để gỡ rối tơ lòng.

Và tôi cũng biết, không chỉ “Bóng rối”, trong ngăn kéo của Hoa đã sẵn sàng kịch bản mới. Mong cho con đường của Vũ Hoàng Hoa luôn lộng lẫy ánh sáng “Thạch anh vàng” - như tên cuốn tiểu thuyết hơn 10 năm trước Hoa viết về cuộc đời nhiều thăng trầm của mẹ mình - NSƯT Kim Thư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà văn Vũ Hoàng Hoa: Viết là một cuộc gỡ rối tơ lòng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.