Trong không khí nô nức mỗi dịp xuân về, kiều bào xứ Nghệ ở khắp năm châu đã tổ chức những hoạt động đón Tết nhiều ý nghĩa để giúp người Việt xa xứ có một cái Tết trọn vẹn hơn.
Đối với người Việt Nam, Tết cổ truyền không chỉ mang ý nghĩa quan trọng, thời khắc giao thoa giữa năm mới và năm cũ, mà còn là dịp để mọi người được sống trong không khí ấm áp của gia đình. Những kiều bào xứ Nghệ dẫu không về được quê nhà trong dịp Tết nhưng vẫn tổ chức những cái Tết rất Việt cùng những buổi gặp mặt đầu xuân tại các nước sở tại khắp năm châu. Nó làm ấm áp thêm tình quê hương, vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà da diết của những người con xa xứ luôn hướng về đất Nghệ thân yêu, và góp phần không nhỏ trong việc gìn giữ văn hóa xứ Nghệ trong lòng những người xa quê và bạn bè quốc tế.
Đón Tết Việt trên đất châu Âu
Liên bang Nga là nơi có rất đông người Nghệ An sinh sống, học tập và làm việc. Trên khắp nước Nga, nơi nào có người Việt sinh sống là ở đó có những khu chợ chuyên bán những sản phẩm quê hương phục vụ lễ Tết. Xét theo tiêu chuẩn Tết truyền thống “thịt mỡ dưa hành, câu đối đỏ” thì người Nghệ An ở Nga ăn Tết cũng chẳng thiếu thứ gì. Kiều bào ta có thể dễ dàng mua bánh chưng gói sẵn, hoặc sắm tết ở hàng trăm quầy hàng khô phong phú từ chai nước mắm - đặc trưng cho mùi vị quê hương, đến củ tỏi, củ hành, rau húng, rau thơm…
Những ngày này, trung tâm thương mại Đồng Xuân ở Berlin luôn trong cảnh tấp nập người Việt đến mua sắm đón Tết. |
Hầu hết ai cũng muốn được về sum họp bên gia đình trong giờ khắc năm cũ qua đi, năm mới sắp đến. Nhưng không phải ai cũng có đủ điều kiện trở về đón Tết. Vì thế mà những người Nghệ xa xứ cần lắm một đời sống cộng đồng chan hòa chia sẻ.
Anh Võ Hải Nam (26 tuổi, quê ở huyện Hưng Nguyên), từng theo học tại trường Đại học tổng hợp kĩ thuật quốc gia Ulyanovsk, hiện đang làm việc tại Tập đoàn Đồng Hương Group ở thủ đô Moscow tâm sự : “Đây là cái tết thứ tám của tôi ở nước Nga xa xôi, lạnh lẽo. Nhớ ngày đầu tiên đón tết nơi đất khách quê người cảm giác thật trống trải, buồn lắm. Nhưng được tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ cùng cộng đồng người Nghệ An tại đây, được cùng chuẩn bị những món ăn cổ truyền của dân tộc và đón giao thừa với anh chị em sinh viên, khiến cho nỗi nhớ nhà, nỗi xa quê trong tôi vơi bớt. Mọi người đều học tập và đón tết xa gia đình nên dễ đồng cảm và chia sẻ với nhau những nỗi niềm tâm sự.”
Hòa chung với không khí mùa xuân trên khắp đất nước Pháp, Hội Đồng hương Nghệ Tĩnh tại Pháp cũng rộn ràng chuẩn bị nhiều hoạt động, chương trình chào năm mới dành cho kiều bào và du học sinh xa nhà.
Anh Ngô Sỹ Hòa (27 tuổi, quê ở huyện Con Cuông, Hội trưởng Hội Đồng hương Nghệ Tĩnh tại Pháp), hiện đang giảng dạy tại Đại học Evry Val d'Essonne cho biết: “Tết Nghệ Tĩnh Pháp tại Paris được anh chị em trong ban liên lạc chuẩn bị trước một tháng, bao gồm các chương trình văn nghệ và ẩm thực truyền thống với đầy đủ các món đặc trưng của ngày Tết như bánh chưng, chả cuốn, giò lụa... Ai ai cũng háo hức, mong cho đến ngày Tết Nghệ Tĩnh vì đó là ngày truyền thống của Hội, là dịp đặc biệt để anh em bạn bè Nghệ Tĩnh tụ họp, quây quần, được "xả tiếng Nghệ", được chia sẻ những thành quả làm việc với nhau trong 1 năm, được thấy niềm vui trong nỗi buồn xa xứ và cũng là dịp để quảng bá về văn hóa Việt cho bạn bè nước Pháp. Để biết rằng trong lòng anh chị em, Tết Nghệ Tĩnh Pháp đáng nhớ, đáng mong và đáng trân trọng".
Kể từ khi thành lập vào năm 2004 đến nay, số lượng cũng như thành phần thành viên (từ các du học sinh Nghệ Tĩnh, các anh chị gốc Nghệ đang làm việc đến các cô bác Nghệ kiều luôn hướng về quê hương, các bạn bè yêu mến, muốn tìm hiểu về mảnh đất miền Trung) tham gia vào Hội ngày một tăng. Và hôm nay, Hội Đồng hương Nghệ Tĩnh tại Pháp đang trên đường trở thành một mái nhà chung, nơi giao lưu giữa nhiều thế hệ của những người con xứ Nghệ trên mảnh đất hình lục lăng.
Sắc xuân Việt trên đất Australia
Vào tháng một dương lịch, thật khó để có thể liên tưởng đến không khí Tết trong cái nắng nóng cao điểm của mùa hè ở Australia. Anh Trần Văn Toàn (24 tuổi, quê ở Nghi Lộc, làm việc tại Melbourne, Australia) chia sẻ: “Chỉ có cách đến những khu chợ Việt, hòa mình vào không khí chợ Tết thì may chăng những người xứ Nghệ xa quê mới tìm được một chút không khí Tết cổ truyền. Mở hội chợ trước Tết nhiều tuần đã là truyền thống của cộng đồng người Việt tại Melbourne, Australia. Cứ mỗi cuối tuần, địa điểm này tổ chức, người nơi khác lại đến chung vui”.
Tết Việt tại Mỹ
Trước thềm năm mới, kiều bào và du học sinh khắp các bang của Mỹ tất bật chuẩn bị lễ hội mừng Tết cổ truyền cho cộng đồng người Việt và cả cộng đồng người bản xứ. Một góc bánh chưng, một ly rượu vang chát - hai thứ tuy chẳng ăn nhập gì với nhau trên mâm cỗ giao thừa, nhưng lại là hình ảnh rất tiêu biểu của một thế hệ trẻ “sống trên đất Tây, ăn cơm Việt”. Rồi một ngày nào đó quay về, quây quần bên gia đình, người thân vào dịp lễ tết hẳn sẽ có người trong số đó nhớ da diết hương vị bánh chưng trong mùa đông lạnh thuở xa xứ.
Anh Phan Đình Nguyên (26 tuổi – Thành phố Vinh) hiện đang sinh sống và làm việc tại tiểu bang Michigan tâm sự : “Năm đầu tiên đi học xa nhà được tới dự buổi gặp mặt đầu xuân do cộng đồng người Việt tại Boston tổ chức, tôi đã được sống lại cảm giác đầm ấm của ngày tết truyền thống như được hòa trong không khí ngày xuân quê nhà. Toàn thể bà con Việt kiều, sinh viên Việt Nam đã cùng nhau thưởng thức các món ăn đầy hương vị quê hương do mình tự tay làm, thưởng thức chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn” do các lưu học sinh biểu diễn, tham gia các trò chơi, viết câu đối và xin chữ”.
Tết Nguyên đán ở Lục địa đen
Hầu hết các quốc gia châu Phi đều phải chịu đựng những cuộc nội chiến liên miên, khiến người dân vẫn đói khổ dù đất nước nhiều tài nguyên. Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Nghĩa Khôi, năm nay 50 tuổi, là cán bộ Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ - Xã Hưng Đông - TpVinh được cử sang Sudan, đông bắc châu Phi, trong khuôn khổ dự án hợp tác phát triển lúa gạo và một số cây trồng khác được ký kết ngày 04/6/2009 giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam và Sudan, để hướng dẫn nông dân địa phương trồng lúa. Khi nói về cái Tết cổ truyền đầu tiên tại Sudan, anh Khôi chia sẻ : “Thật khó để cảm nhận được không khí Tết Nguyên đán trên mảnh đất phần lớn người dân theo đạo Hồi và không có truyền thống đón Tết âm lịch. Dịp Tết đến xuân về, chúng tôi chỉ làm mấy mâm cơm mời người dân bản xứ đến rồi ngồi quây quần lại kể cho nhau nghe chuyện gia đình để tìm chút không khí đoàn tụ đầm ấm như ở quê nhà”.
Người lao động Nghệ An đón Tết ở xứ sở kim chi
Đối với những lao động Nghệ An đang làm việc tại Hàn Quốc thì Tết cổ truyền là dịp được nghỉ ngơi. Người Hàn Quốc cũng ăn Tết theo lịch âm nhưng Tết Trung thu thường được tổ chức rất to, trong khi đó, Tết Nguyên đán chỉ là dịp để mọi người nghỉ ngơi, thư giãn. Lao động Việt Nam cũng được nghỉ 2 đến 3 ngày đón Tết cổ truyền của dân tộc. Anh Hoàng Trọng Toàn (26 tuổi, TpVinh, làm việc tại Yeongam thuộc tỉnh Jeollanam), chia sẻ về cái Tết thứ 3 tại Hàn Quốc: “Mấy anh em mua lá dong, nếp, đỗ về gói bánh chưng đón Tết; sửa soạn bàn thờ bày mâm ngũ quả, viết câu đối đỏ ngày xuân. Chúng tôi đón Tết cũng có cành đào như ở quê nhà”.
Những người con xứ Nghệ dù ở nơi đâu cũng đều hướng về quê hương đất nước và mong muốn được đóng góp phần công sức nhỏ bé của mình cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Tết cổ truyền là dịp để mỗi người con xa xứ cảm nhận rõ hơn tình yêu gốc rễ cội nguồn và tận hưởng không khí gia đình đầm ấm sum vầy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.