Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiều bào khắp nơi trên thế giới rộn ràng đón xuân Quý Mão 2023

Quỳnh Dương| 23/01/2023 00:05

(HNMO) - “Không đâu bằng đón Tết ở trên quê hương mình” – đây là nhận định chung của bà con người Việt đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, vì một số lý do, nhiều kiều bào không thể về nước sum vầy trong dịp xuân về. Nhớ về quê cha đất tổ, họ vẫn cố gắng gìn giữ phong tục truyền thống Tết Việt nơi đất khách.

Gia đình chị Trần Thị Chang đoàn tụ tại Malaysia để đón năm mới.

Chị Trần Thị Chang, Chủ tịch Hội hữu nghị Malaysia - Việt Nam cho biết, năm nay, không khí Tết Việt đến với bà con ta ở Malaysia đã rộn ràng từ nhiều ngày trước khi Hội hữu nghị tổ chức Hội Xuân quê hương. Ngày hội diễn ra với nhiều gian hàng giới thiệu những món đặc sản truyền thống của Việt Nam như bánh chưng, miến dong trong một không gian ngập tràn phong cách Tết Việt: Có mai, có đào, câu đối đỏ… Chị Chang bày tỏ, chị rất vui vì dù thời gian diễn ra hội chợ không dài, song đã giúp bà con phần nào vơi đi nỗi nhớ nhà, và cũng nhân dịp này giới thiệu văn hóa Việt Nam với người dân nước sở tại.

Năm nay, chị Chang không về Việt Nam, song gia đình con trai từ Việt Nam đã bay sang Malaysia đón Tết cùng chị. Niềm vui gia đình, con cháu sum vầy trong khoảnh khắc giao niên đầy thiêng liêng giúp khỏa lấp nỗi nhớ quê hương.    

Gia đình ông Nguyễn Thế Phượng sum vầy trong dịp xuân mới.

Còn ông Nguyễn Thế Phượng, hiện đang sống tại San Diego (Mỹ) cho biết, năm nay, vì ngày 30 và mùng 1 Tết Nguyên đán đúng vào thứ 7 và Chủ Nhật nên các con của ông có thể bắt chuyến bay từ hàng nghìn cây số về ăn bữa cơm sum vầy với cha mẹ. Ngoài các món ăn truyền thống như bánh chưng, giò, dưa muối..., vợ ông còn làm thêm món bánh giò. Vì nơi ông sống không có đông người Việt nên mỗi năm, vào dịp này, hai vợ chồng ông thường phải tự tạo nên bầu không khí Tết cho riêng mình.

"Nếu không làm như vậy, mọi thứ sẽ trôi qua, mình và các con cũng dần quên đi các phong tục, văn hóa truyền thống của quê hương", ông Phượng chia sẻ. 

Tại Pháp, chị Phạm Quỳnh Trang cho biết, năm nào cũng vậy, nếu không về Việt Nam đón Tết được, sau giao thừa, vợ chồng chị và các con đều gọi điện về chúc Tết ông bà, bố mẹ.

Bữa cơm sum vầy ngày Tết của gia đình chị Phạm Quỳnh Trang.

Họ hàng của vợ chồng chị tại Pháp cũng tổ chức bữa cơm gia đình vào ngày mùng 1 với nhiều món truyền thống như nem rán, giò, thịt gà...   

Tại Bangkok (Thái Lan), dù công việc rất bận rộn, song vợ chồng chị Nguyễn Thị Vinh vẫn chuẩn bị mâm cỗ tất niên rất phong phú: Có đủ cả gà luộc, vịt luộc, cua hấp, tôm chiên, nem rán, bánh chưng... Mâm ngũ quả cũng đủ những bưởi, táo, nho, dứa, dưa hấu được chị bày rất khéo léo để dâng cúng trời đất, tổ tiên. Khi tất cả đã xong xuôi, vợ chồng chị cùng hai con nhỏ đều khoác lên mình bộ trang phục màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn và làm lễ thắp hương cúng tất niên.

Còn lễ cúng giao thừa luôn được nhà chị Vinh thực hiện vào thời khắc đất trời chuyển sang năm mới. Dù sống xa Việt Nam đã lâu và giờ đã nhập quốc tịch Thái Lan nhưng chị Vinh khẳng định, chị luôn gìn giữ những phong tục, truyền thống đẹp trong dịp Tết như một cách để hướng về nguồn cội, quê hương.

Gia đình chị Nguyễn Thị Vinh làm lễ cúng tất niên.

Sau đây là một số hình ảnh bà con kiều bào ở nhiều nơi trên thế giới đón Xuân Quý Mão:

Tại Cộng hòa Séc, Đại sứ quán Việt Nam đã phối hợp với Hội người Việt, Trung tâm thương mại Sapa tổ chức chương trình “Xuân Quê hương” mừng Tết Quý Mão 2023.

Chị Trần Hạnh tại Toulouse (Pháp) đón Tết Quý Mão theo cách rất riêng.

Dù xa quê hương, anh Nguyễn Mạnh Cường, hiện đang sống tại Berlin (Đức), vẫn chuẩn bị ban thờ được bày biện đầy đủ theo truyền thống để đón năm mới.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiều bào khắp nơi trên thế giới rộn ràng đón xuân Quý Mão 2023

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.