Trần Cảnh là một trong 10 gương mặt Kiến trúc sư Việt đương đại, với những thiết kế tiêu biểu, mang bản sắc văn hóa Việt.
Kiến trúc sư (KTS) Trần Cảnh sinh năm 1979 tại Thái Bình. Sau khi tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội, Trần Cảnh có hai năm học cao học tại Đức. Khi trở về Việt Nam, anh sáng lập xưởng kiến trúc Adreistudio (năm 2009), là tác giả của những công trình gần gũi, thân thuộc nhưng cũng rất độc đáo. Năm 2022, Tạp chí Kiến trúc và Văn hóa quốc tế Hàn Quốc bình chọn Trần Cảnh là một trong 10 gương mặt Kiến trúc sư Việt đương đại, với những thiết kế tiêu biểu, mang bản sắc văn hóa Việt.
- Thưa KTS Trần Cảnh, tôi rất ấn tượng với những công trình nhà ở do anh thiết kế, với những bậc thềm, ô cửa sổ nhỏ xinh, rất vừa vặn, gợi ký ức…
- Khi thiết kế kiến trúc chúng ta thường đi từ tổng thể, không ai thiết kế công trình nào mà đã vội vẽ chi tiết. Nhưng trong thực tế chúng ta lại cảm nhận công trình kiến trúc ngược lại một chút. Có nghĩa là người ta dễ dàng thích thú, ấn tượng với những chi tiết nhỏ.
Đó là lý do tại sao khi thiết kế, tôi thường lựa chọn những chi tiết nhỏ nhỏ, xinh xinh cho công trình của mình như bậc thềm, ô cửa. Bởi vì khi tới bất cứ công trình nào, chúng ta phải đi qua nút chuyển tiếp là cánh cửa, bước từ ngoài sân lên nhà thì phải qua bậc thềm. Hay chúng ta đi từ ngoài đường, ngoài ngõ vào nhà thì đều phải qua cái cổng. Những điểm chuyển tiếp không gian như vậy rất quan trọng đối với tất cả chúng ta.
Cá nhân tôi luôn mong muốn để lại dấu ấn trong công trình của mình qua những chi tiết như vậy để thể hiện thế giới quan của mình. Đôi khi không cần mang triết lý gì quá sâu sắc, chỉ là ngẫu hứng của cá nhân, nhưng đó là dấu ấn mà khi người ta nhìn công trình sẽ nhận ra đó là của kiến trúc sư nào.
- Thiết kế kiến trúc thường bắt đầu từ nơi chốn, phù hợp với điều kiện khí hậu, môi trường văn hóa. Tuy vậy, đã có công trình nào mà KTS Trần Cảnh cảm thấy nuối tiếc, giá như mình có thể có hướng xử lý khác hơn nữa?
- Chắc chắn là có bởi chúng ta không thể biết hết được mọi thứ, nếu biết cũng là đọc qua sách vở mà thôi. Chúng ta đều hiểu kiến trúc chịu tác động rất lớn của điều kiện tự nhiên, từ đó sinh ra các giải pháp không gian.
Cách đây mấy năm, tôi có thiết kế công trình trong Hội An. Vì mình không ở đó thường xuyên, chỉ đến vào những ngày thời tiết khá đẹp nên ban đầu, tôi và chị chủ nhà đồng ý sẽ để không gian mở hoàn toàn, rất ít bức vách hay các hệ cửa ngăn che. Khi công trình xây xong và đi vào sử dụng, đến mùa mưa gió ở Hội An, ở trong nhà cảm nhận gió thổi mạnh đến mức hoa mắt chóng mặt. Hơn nữa, công trình lại ở gần cánh đồng, mặt hướng ra phía biển. Sau đó, cả kiến trúc sư và chủ nhà nhất trí với nhau là phải thêm hệ cửa để cản bớt gió. Đó là một ví dụ cho thấy phải qua thực tế mới rút ra được.
- Những công trình do KTS Trần Cảnh thiết kế luôn có sự gần gũi, bình dị. Trong quá trình làm nghề, mỗi kiến trúc sư đều học hỏi những kinh nghiệm của cha ông, đồng thời mong muốn có thể nói được tiếng nói của thời đại mình. Câu chuyện ấy với anh cần sự hài hòa như thế nào, sự thể hiện tiết chế đến đâu?
- Bất kể ngành nghề gì, chúng ta cũng cần học tập từ những người đi trước, những cái được và cả những điều chưa được. Cái tốt thì ai cũng có thể nhìn thấy, nhưng chính những cái chưa được lại là bài học. Mình tiếp thu, học hỏi truyền thống nhưng không có nghĩa là lệ vào nó. Mình phải nhìn vào bản chất không gian sống của người Việt như thế nào chứ không phải ở mặt hình ảnh, không đơn giản là những thứ chúng ta nhìn thấy bằng mắt. Nó là đời sống, là văn hóa, thói quen sinh hoạt.
Kiến trúc luôn phản ánh thời đại và chúng ta không nên phân biệt rạch ròi cái gì hơn cái gì. Thời đại bây giờ là thời đại công nghiệp, toàn cầu hóa. Với mỗi kiến trúc sư hành nghề sẽ có những lựa chọn khác nhau. Cá nhân tôi chỉ vẽ và làm với những thứ mình rung động, đã thấm trong mình, từ tuổi thơ, từ quá trình mình lớn lên và sản phẩm mình thiết kế sẽ luôn phản ánh điều đó.
- Anh quan niệm vẽ trong kiến trúc nên/cần như thế nào để có dấu ấn cá nhân?
- Vẽ trong kiến trúc khác vẽ tranh, là những bản thiết kế. Mình vẽ bằng công cụ gì cũng được, nhất là bây giờ máy móc, công nghệ, thậm chí là AI có thể giúp chúng ta nhiều. Nhưng cá nhân tôi vẫn luôn tìm tòi ý tưởng, vẽ trên giấy với một chiếc bút. Vì là phác thảo nên vẽ trên giấy nhanh hơn, chuyển tải suy nghĩ của mình nhanh hơn. Khi nào bản phác thảo tương đối hiện dần ra những điều mình mong muốn, để chuẩn hóa kích thước thì tôi mới dùng máy tính. Và trên hết, tôi luôn trăn trở mình vẽ ra thứ có thực sự thuộc về mình hay không, hay là thứ đi vay mượn.
Đối với một người nghệ sĩ sáng tác thì phải là chính mình. Kiến trúc của tôi không đi sâu quá về mặt tạo hình để tạo ra những thứ phá cách. Tôi muốn mọi người nhìn kiến trúc của tôi dưới góc độ sự hài hòa, sự khiêm nhường nhưng phải có sự ngẫu hứng, có dấu ấn cá nhân. Bởi vì mình làm một công việc không chỉ để mình tồn tại mà ít nhiều đâu đó chuyển tải những suy nghĩ, nhìn nhận của mình về mọi thứ xung quanh.
- Trân trọng cảm ơn anh!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.