Văn hóa

Triển lãm “Thời gian”: Cuộc đối thoại giữa di sản kiến trúc dân gian và sáng tạo đương đại

Hoàng Lân 21/12/2024 - 11:20

Hơn 80 tác phẩm trừu tượng của hoạ sĩ Trần Nhật Thăng và kiến trúc sư Tùng Lê tại triển lãm “Thời gian” diễn ra chiều 20-12 gây ấn tượng với nhiều người xem. Ngoài những tác phẩm hội họa, người xem còn thấy sáng tạo mới lạ được thực hiện trên cột nhà, câu đầu của những ngôi nhà có tuổi đời gần 200 năm.

tran-nhat-thang-2.jpg
Triển lãm "Thời gian" mang đến những câu chuyện thú vị về sáng tạo nghệ thuật của các tác giả. Ảnh: Hoàng Lân

Sự kết hợp giữa hội hoạ và thiết kế ở “Thời gian” như một cuộc đối thoại giữa di sản kiến trúc dân gian và sáng tạo đương đại. Song hành cùng thế giới nội tâm của Trần Nhật Thăng là các bệ đỡ được kiến trúc sư Tùng Lê thiết kế từ bộ sưu tập di sản kiến trúc xưa, những vật liệu gỗ mà anh sưu tầm trong các chuyến đi tới bản làng, vùng quê Việt Nam.

Tùng Lê nói rằng, anh thích đi phượt để ngắm nhìn vẻ đẹp của đất nước, đắm mình trong bản sắc văn hóa phong phú của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trong hơn 20 rong ruổi, anh bắt gặp không ít ngôi làng đang chuyển mình trước sự đô thị hóa. Có những ngôi nhà đã có 5 thế hệ sinh sống nhưng cũng khó bảo tồn được kiến trúc cổ và phải dỡ bỏ.

cot-nha-200-nam.jpg
Những cột nhà cổ được kiến trúc sư Tùng Lê điêu khắc sáng tạo cùng tranh của Trần Nhật Thăng thành tác phẩm nghệ thuật. Ảnh: Hoàng Lân

“Nhiều ngôi nhà tính ra cũng gần 200 năm tuổi, đẹp lắm! Nhưng tiếc là nhiều gia đình không thể giữ được mà dỡ bỏ. Tôi đã xin lại những cột nhà ấy, bởi với tôi đó là một phần của dấu ấn văn hóa, lịch sử và là di sản kiến trúc dân gian rất quý. Tôi muốn giữ và bảo tồn những di sản ấy theo cách của mình”, Tùng Lê chia sẻ trong buổi giới thiệu triển lãm.

Từ những cột nhà, câu đầu tưởng là vô tri, Tùng Lê đã “tái sinh” chúng thành khung đế trụ phối hợp với chất liệu đồng, chạm trổ hoa văn vân mây làm nên một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc hấp dẫn, mới lạ. Anh cũng sáng tạo chúng như bệ đỡ nghệ thuật cho tác phẩm tranh của Trần Nhật Thăng. “Tôi nương theo các bức tranh của anh Thăng để điêu khắc các khối gỗ, biến chúng thành tác phẩm sáng tạo mới lạ”, Tùng Lê chia sẻ.

tran-nhat-thang.jpg
Những bức tranh khổ nhỏ hiếm gặp của hoạ sĩ Trần Nhật Thăng. Ảnh: Hoàng Lân

Còn với hoạ sĩ Trần Nhật Thăng, một tên tuổi không còn xa lạ với giới mỹ thuật khi đã thực hiện 17 triển lãm cá nhân và hơn 100 triển lãm nhóm trong và ngoài nước. Anh được biết đến như một hoạ sĩ tiên phong của hội hoạ hậu đổi mới tại Việt Nam. Anh nổi bật với phong cách kết hợp thư pháp truyền thống phương Đông và hội họa trừu tượng tối giản. Các tác phẩm của anh được sở hữu bởi nhiều bộ sưu tập tư nhân và các tổ chức nghệ thuật tại châu Âu, châu Á và Mỹ.

Với triển lãm “Thời gian” lần này, Trần Nhật Thăng nói rằng, may mắn gặp được Tùng Lê. Cuộc gặp gỡ của hai người đã khơi gợi cảm hứng nghệ thuật mới để cùng có sự thăng hoa trong sáng tạo. “Đó không chỉ là sự sáng tạo, giao hòa về chất liệu mà còn là sự thấu hiểu tính cách nghệ thuật. Chúng tôi cùng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật có triết lý về thời gian và cuộc sống”, Trần Nhật Thăng chia sẻ.

tung-le.jpg
KTS Tùng Lê giới thiệu về tác phẩm độc đáo của mình. Ảnh: Hoàng Lân

80 tác phẩm “Thời gian” được chia làm 3 phần nội dung. Người xem sẽ được thưởng thức những bức tranh khổ lớn, tranh trên hệ cột cổ và những bức tranh chỉ nhỏ bằng bao thuốc lá. Các bức tranh được thực hiện bằng nhiều chất liệu như: Giấy giang, bột cà phê, opoxy…

Triển lãm kéo dài đến ngày 27-12 tại Green Palm Gallery (39 Hàng Gai).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Triển lãm “Thời gian”: Cuộc đối thoại giữa di sản kiến trúc dân gian và sáng tạo đương đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.