Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiến trúc sư Hà Nội “tìm” sân chơi cho trẻ em

Hải Giang| 09/09/2015 06:59

(HNM) - Chiều 7-9, các kiến trúc sư của Hội Kiến trúc sư (KTS) Hà Nội cùng đại diện nhiều tổ chức, đơn vị đã có một cuộc tọa đàm cụ thể và thú vị về


Sân chơi trẻ em - thiếu mức nào?

"Sân chơi cho trẻ em tại khu dân cư Hà Nội đang thiếu hụt trầm trọng" là nhận định của các KTS Hà Nội. Câu chuyện này hơn ai hết bản thân các gia đình có con nhỏ thấm thía. Có đi sâu vào các ngõ nhỏ trong nhiều khu dân cư Hà Nội mới thấy vô vàn sáng tạo mà cha mẹ có thể làm cho một không gian nhỏ bé của trẻ thơ như tận dụng đường trong ngõ để đá bóng, chơi cầu lông, bắt vít rổ bóng rổ ngay trong tường nhà ở phòng khách, tường rào trong ngõ cụt...

“Sân chơi trong phố” tại phố Đào Duy Từ (Hoàn Kiếm).



KTS Lê Văn Lân, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội đã khái quát những đặc điểm của không gian đô thị Hà Nội từ sau giải phóng Thủ đô đến nay. Sau 1954, các khu nhà bán kiên cố phục vụ cho cán bộ công nhân viên về Hà Nội công tác đã có sân tạp dịch, chỗ vui chơi cho trẻ. Năm 1962, các khu đất giữa các ngôi nhà 5 tầng ở Kim Liên cũng bắt đầu được thiết kế, thi công sân vườn, sân chơi cho các em... Rất tiếc là vài năm sau Hà Nội phải sơ tán. Rồi thì nền kinh tế bung ra, diện tích công cộng bị chiếm dụng để phục vụ mưu sinh. Sau hòa bình, Hà Nội đã xây dựng một Cung thiếu nhi cho trẻ em từng là niềm mơ ước, chốn vui sướng của nhiều bạn nhỏ Hà Nội lúc ấy. Nhưng một "Cung thiếu nhi cùng với các khu vui chơi rải rác khác... cũng vẫn là chưa đủ nếu chúng ta không có mạng lưới vui chơi cho trẻ trong trường học, CLB, nhà văn hóa, nhóm nhà, khu phố... Ngay cả việc nhiều khu nhà ở đã có những điểm vui chơi dịch vụ cao cấp nhưng số trẻ em được đến là rất hạn chế", KTS Lê Văn Lân nhấn mạnh.

KTS tình nguyện, họ là ai?

Đó là một nhóm các KTS cùng nhau chia sẻ và tham gia vào những hoạt động vì không gian công cộng (KGCC) ở Hà Nội và nhiều nơi trên cả nước một cách cụ thể nhưng khá lặng lẽ.

Hội KTS Hà Nội cho hay, từ năm 2008 các KTS tình nguyện đã tham gia thảo luận trên các diễn đàn truyền thông nhằm bảo vệ KGCC ở Hà Nội, trong đó có các sân chơi cho trẻ em tại khu dân cư. Nhóm phối hợp với các tổ chức hoàn thành sân chơi tại Nhà văn hóa khu dân cư số 3 phường Hạ Đình, đề xuất nâng cấp cải tạo các sân chơi tại 7 khu dân cư của phường. Từ 2012-2015, họ cùng các tổ chức Nhịp cầu sức khỏe, các KTS Canada, Hà Lan nghiên cứu đề tài "Vườn hoa sân chơi trong khu dân cư Hà Nội" báo cáo với Hội KTS Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội... Nhóm cùng tổ chức ThinkPlayfrounds hỗ trợ "sân chơi đường phố - Đào Duy Từ". KTS Hoàng Thúc Hào cùng các cộng sự còn kết nối, chia sẻ kinh nghiệm tạo đồ chơi lắp ghép bằng tre...

KTS Trần Huy Ánh, một thành viên của nhóm chia sẻ: "Những sân chơi có khi chỉ là dải đất nhỏ ven sông như ở Phúc Tân, chừng ba chục mét vuông, với một vườn hoa nhỏ, cái xà đơn, đường đạp xe cho trẻ, nhưng trẻ em và nhân dân rất phấn khởi. Mà các KTS cũng chỉ hỗ trợ còn chính bà con nhân dân là người đóng góp, thực hiện...". Về điều này, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Giáp Bát Nguyễn Thị Cử đã bày tỏ: "Họ - các KTS tình nguyện là những người giúp chúng tôi thiết kế, dự toán, thi công, cùng cộng đồng giám sát tìm tài trợ cho công trình mà không nhận bất cứ sự đãi ngộ nào của cộng đồng dù rất nhỏ. Chính họ đã truyền cho chúng tôi sự đam mê, lòng nhiệt tình, quyết tâm tiếp tục thực hiện các công trình có ích cho cộng đồng, đặc biệt là trẻ em". Nhưng vị Chủ tịch Hội phụ nữ cũng cho biết phường Giáp Bát có trên 18 nghìn dân sống trong 9 khu dân cư, nên 2 điểm vui chơi trên chỉ là bước khởi đầu...

Cũng như vậy, Hà Nội vẫn còn nhiều gia đình "ngõ nhỏ phố nhỏ" chỉ cuối tuần mới dắt díu nhau lên công viên, quảng trường, vườn hoa cho con thỏa sức chạy nhảy... "Làm sao để có nhiều những sân chơi như vậy, làm sao để các trang thiết bị cho các cháu đa dạng và an toàn hơn. Làm sao để tổ chức Đoàn thanh niên có được kế hoạch thiết thực cho công tác này..." - đó chắc chắn không nên chỉ là câu hỏi của giới KTS Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiến trúc sư Hà Nội “tìm” sân chơi cho trẻ em

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.