Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiến tạo không gian phát triển

Thế Văn| 15/01/2023 06:09

(HNM) - Tổ chức lại sản xuất, phát triển các hình thức sản xuất phù hợp, hiệu quả gắn với quá trình chuyển đổi số, kinh tế số; phát triển hệ thống hợp tác xã gắn với tái cơ cấu ngành NN&PTNT… Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ NN&PTNT, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gợi mở nhiều vấn đề để nông nghiệp nước nhà góp phần xây dựng nền kinh tế tự chủ, gắn với chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả…

Năm 2022 để lại nhiều dấu ấn, ngành Nông nghiệp đã bám sát thực tiễn, điều chỉnh sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường, mang lại giá trị gia tăng và cải thiện thu nhập cho người nông dân. Việc chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp đã từng bước “thấm” vào đời sống, thay đổi nhận thức của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã… Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới.

Từ những giải pháp kiến tạo nền kinh tế nông nghiệp và không gian thị trường, ngành Nông nghiệp đã vượt qua nhiều thách thức, biến động, gặt hái nhiều thành công: Tốc độ tăng trưởng 3%; tổng kim ngạch xuất khẩu 54 tỷ USD…

Tuy nhiên, nông nghiệp Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung vẫn tồn tại nhiều vấn đề. Hệ thống cơ chế, chính sách, việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 chưa theo kịp yêu cầu phát triển; liên kết giữa doanh nghiệp, nhà khoa học và người nông dân chưa thật sự hiệu quả; nhiều sản phẩm nông nghiệp chưa gắn với thị trường và vùng nguyên liệu; giải ngân đầu tư công, cơ giới hóa nông nghiệp còn nhiều vướng mắc… Biến đổi khí hậu, biến động thị trường cũng như những vấn đề nội tại tiếp tục tác động tiêu cực đến tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp và nhiều nông dân chưa thể làm giàu trên mảnh vườn, thửa ruộng bao đời gắn bó.

Năm 2023, khó khăn thách thức vẫn ở phía trước và những yêu cầu mới tiếp tục được đặt ra như tốc độ tăng trưởng 3,5%, tổng kim ngạch xuất khẩu 55 tỷ USD… để ngành Nông nghiệp giữ vững vai trò trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế. Tạo nguồn lực, động lực cũng như không gian phát triển mới cho nông nghiệp đòi hỏi quyết tâm cao và một hệ thống giải pháp đồng bộ.

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ NN&PTNT, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh một số quan điểm chỉ đạo, điều hành: Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu; quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu phù hợp, ngang tầm yêu cầu phát triển; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn phát triển nông nghiệp với văn hóa và du lịch…

Kiến tạo nền kinh tế nông nghiệp phù hợp với xu thế phát triển, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng; đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm để tham gia sâu vào chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu, trước hết các cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương thúc đẩy các giải pháp quảng bá, giới thiệu sản phẩm và đặc biệt là tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu cho nông sản Việt Nam. Mặt khác là “hợp sức” tạo ra sự thay đổi trong sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp với chất lượng ngày càng cao của thị trường nội địa, không để “thua trên sân nhà”… qua đó, hướng đến và bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành Nông nghiệp.

Cốt lõi của việc kiến tạo không gian phát triển, xây dựng nông thôn văn minh, văn hóa, nông nghiệp hiện đại, bền vững… là người nông dân trong vai trò chủ thể, trung tâm. Người nông dân cần chủ động nâng cao tri thức, năng lực tiếp cận và ứng dụng công nghệ; thay đổi tư duy phương thức, sản xuất, kinh doanh; hướng đến một nền nông nghiệp trách nhiệm và xây dựng những giá trị mới cho nông nghiệp nông thôn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiến tạo không gian phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.