Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiên quyết loại nhà thầu thiếu năng lực

Tuấn Lương| 17/06/2014 06:36

(HNM) - Ngay trong những ngày đầu tháng 6-2014, một số đơn vị tư vấn, nhà thầu đã bị Bộ GTVT loại khỏi các dự án do chất lượng thi công

Có nhà thầu bị "cấm cửa" không cho tham gia các dự án giao thông khác.

Với quan điểm nhất quán "chất lượng công trình là uy tín, là hình ảnh của ngành GTVT" - không chỉ quyết liệt xử lý đơn vị vi phạm, Bộ GTVT đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo quy định xếp hạng năng lực nhà thầu xây lắp nhằm hạn chế tình trạng xin - cho và lựa chọn được nhà thầu phù hợp với từng loại dự án, công trình...

Một đoạn đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Ảnh: Huy Hùng


"Trảm" tư vấn, nhà thầu "có vấn đề"

Ngày 4-6, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng có Công điện gửi Công ty cổ phần BOT Đại Dương (nhà đầu tư) và Ban QLDA 2, nghiêm cấm tư vấn thiết kế - giám sát và nhà thầu thi công dự án BOT quốc lộ 18 Uông Bí - Hạ Long tham gia các dự án ngành GTVT trong vòng 3 năm. Nguyên do là dự án nói trên vừa đưa vào khai thác đã có một số đoạn xuất hiện hư hỏng (lún nứt, hằn vệt bánh xe…).

Trước đó, ngày 3-6, Bộ GTVT có văn bản yêu cầu Ban QLDA đường Hồ Chí Minh chấm dứt hợp đồng thi công với nhà thầu Tổng Công ty Sông Hồng do không thực hiện đúng các quy định hợp đồng tại dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (quốc lộ 14). Cụ thể là nhà thầu này đã sử dụng thầu phụ không đúng quy định tại gói thầu số 9 (Km 1729+489,94-Km 1733+ 459,46) dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Đắk Lắk. Ban QLDA đường Hồ Chí Minh khẩn trương thực hiện quy trình lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định, bảo đảm, năng lực và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu gói thầu và tiến độ dự án; tiếp tục rà soát, kiên quyết và kịp thời báo cáo Bộ GTVT xử lý các nhà thầu vi phạm việc giao thầu phụ; bổ sung, thay thế nhà thầu không đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tiến độ dự án.

Cũng tại dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, Bộ GTVT đã yêu cầu chủ đầu tư cắt 3,8km (từ Km 1681+200 đến Km 1685) trong gói thầu số 2 (đoạn đi qua tỉnh Đắk Lắk) của nhà thầu Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai do không đủ năng lực thi công đạt tiến độ cam kết. Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA đường Hồ Chí Minh khẩn trương thực hiện thủ tục lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực kinh nghiệm để thi công 3,8km nêu trên bảo đảm tiến độ, chất lượng. Ban này còn có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc nhà thầu huy động đầy đủ năng lực thi công khối lượng còn lại của gói thầu, nếu không có chuyển biến tích cực để đáp ứng yêu cầu tiến độ, Bộ GTVT sẽ chấm dứt hợp đồng.

"Chất lượng công trình là uy tín, là hình ảnh của ngành", Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh tại cuộc họp bàn về việc nâng cao chất lượng công trình giao thông mới đây. Để nâng cao chất lượng, Bộ trưởng chỉ rõ: Phải nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, bất cứ ai, ở cấp lãnh đạo nào nếu để công trình kém chất lượng đều bị xử lý nghiêm. Nếu làm không được sẽ bị điều chuyển, thay thế ngay. Tất cả các nhà thầu chính tại các gói thầu không được thuê thầu phụ thi công các hạng mục chính. Mục tiêu cao nhất của công trình giao thông là chất lượng, không hy sinh chất lượng lấy bất kỳ yếu tố nào khác…

Sẽ xếp hạng nhà thầu xây lắp

"Trảm" hoặc cấm cửa nhà thầu được coi là những giải pháp kiên quyết trước mắt. Về lâu dài, để hạn chế tình trạng xin - cho, qua đó lựa chọn được nhà thầu phù hợp với từng loại dự án, công trình, Bộ GTVT đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo quy định xếp hạng năng lực nhà thầu xây lắp.

Thực ra từ cuối năm 2013, Bộ GTVT đã tiến hành xếp hạng năng lực khoảng 350 nhà thầu. Các tiêu chí để đánh giá năng lực bao gồm: khả năng huy động thực tế (nhân sự và máy móc thiết bị); khả năng đáp ứng tiến độ tổng thể và chi tiết; khả năng đáp ứng chất lượng, an toàn lao động, ATGT, phòng chống cháy nổ của gói thầu; khả năng giải quyết các thủ tục thanh, quyết toán, thực hiện bảo hành công trình. Tuy nhiên, việc xếp hạng theo các tiêu chí như vậy đã bộc lộ nhiều bất cập và nhận được nhiều ý kiến không đồng nhất của các nhà thầu. Ông Lê Ngọc Hoa - Tổng Giám đốc CIENCO4 cho rằng, việc xếp loại kết quả nhưng chưa tính đến quy mô của dự án, chưa có sự phân biệt giữa nhà thầu lớn với nhà thầu nhỏ. Các công ty con lại xếp ngang hàng với công ty mẹ là không hợp lý. Đại diện CIENCO1 thắc mắc tiêu chí xếp loại đánh giá kết quả hoạt động chưa rạch ròi được đâu là lỗi do nhà thầu, đâu là lỗi do chủ đầu tư, hoặc do giải phóng mặt bằng chậm trễ của địa phương. Nhà thầu lớn làm nhiều sẽ có nguy cơ lỗi nhiều hơn nhà thầu nhỏ làm ít.

Theo ông Trần Xuân Sanh - Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), một điểm khác cơ bản của việc xếp hạng năng lực so với năm 2013 là việc đánh giá nhằm xác định năng lực thực tế của nhà thầu để trên cơ sở đó lựa chọn được các nhà thầu phù hợp với từng loại công trình với quy mô, khả năng tài chính thích hợp. Việc đánh giá năng lực nhà thầu dựa vào các tiêu chí và được tính điểm để phân loại. Theo đó, nhà thầu sẽ được phân nhóm dựa trên 2 tiêu chí về năng lực thi công trong thời gian 5 năm liên tiếp, gần nhất với tư cách là nhà thầu chính, độc lập hoặc thành viên liên danh và doanh thu trung bình trong 3 năm liên tiếp. Từ việc phân loại này sẽ hình thành các nhóm nhà thầu được chia ra nhóm khác nhau như: Nhóm có năng lực từ 1.000 tỷ đồng trở lên; nhóm từ 500 đến 1.000 tỷ đồng và các nhóm tiếp sau… Sau khi phân chia các nhóm, việc đánh giá, xếp hạng năng lực nhà thầu được thực hiện dựa vào tiêu chí cụ thể theo phương pháp chấm điểm của nhà thầu theo nhóm. Nhà thầu có tổng số điểm cao hơn sẽ được xếp thứ hạng cao hơn. Số điểm sẽ được tích hợp qua các tiêu chí như: thời gian hoạt động trong ngành; kinh nghiệm thi công công trình giao thông trong 5 năm liên tiếp gần nhất; năng lực kỹ thuật; năng lực tài chính trong 3 năm liên tiếp gần nhất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiên quyết loại nhà thầu thiếu năng lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.