(HNMO) - Ngày 22-8, tại Hà Nội, Bộ VH-TT&DL đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học nghệ thuật.
Theo báo cáo của Vụ Thi đua khen thưởng, sau khi triển khai thực hiện Nghị định số 90/2014/NĐ-CP qua đợt xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, Giải thưởng Nhà nước” về Văn học nghệ thuật năm 2016, trong đó, nổi lên hai nội dung chưa phù hợp là Quy định về tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng và Quy định về tỉ lệ phiếu đồng ý của hội đồng các cấp.
Còn nhiều bất cập trong quy trình xét tặng
Tại hội nghị, nhiều ý kiến của các văn nghệ sĩ, lãnh đạo các Hội VHNT, các nhà quản lý văn hóa cho rằng, việc đặt ra quy định về tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng để được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước phải đạt một trong các tiêu chuẩn: Đã được giải Vàng, giải A hoặc giải Nhất tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về VHNT cấp quốc gia do Bộ VH-TT&DL tổ chức là nội dung chưa phù hợp.
Đa số ý kiến cho rằng, với những tác phẩm được sáng tác trong giai đoạn trước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tác phẩm mặc dù rất có giá trị nhưng do giai đoạn này đất nước có chiến tranh, ít có các cuộc thi được tổ chức hoặc do điều kiện khách quan nên không có các cuộc thi sáng tác về VHNT hàng năm đối với một số lĩnh vực… Nếu vì các tác phẩm này không có giải thưởng của Bộ VH-TT&DL và các Hội VHNT chuyên ngành trung ương theo quy định mà không xét sẽ bỏ sót việc tôn vinh nhiều tác phẩm thực sự có giá trị trong đời sống xã hội.
Cụ thể, nếu xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước mà căn cứ vào giải thưởng A, B để xét thì đang làm khó nhiều nghệ sĩ. Nhạc sĩ Vũ Tự Lân nhấn mạnh: “Ví dụ có nhạc sĩ rất xứng đáng được giải thưởng nhưng không đủ tiêu chuẩn xét vì không có giải thưởng".
Cố nhà thơ Xuân Quỳnh và cố nhạc sỹ Thuận Yến được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2016. |
Cụ thể, trong việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước năm 2017, những ồn ào trong việc xét tặng giải thưởng của cố nhạc sĩ Thuận Yến hay hai cố nhà thơ Xuân Quỳnh và Thu Bồn, nhiều đại biểu cho rằng: việc xét tặng sẽ là những chuyện buồn chưa có hồi kết bởi những quy định, thủ tục cứng nhắc gây phiền hà cho tác giả và lúng túng cho các nhà quản lý. Những tên tuổi có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền văn học, nghệ thuật nước nhà lại bị trượt giải bởi không đáp ứng được tiêu chí giải thưởng.
Theo nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường, quy định về Huy chương vàng, giải thưởng là bất cập. Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường lập luận: “Đời sáng tác mỹ thuật nhiều lắm là 20 năm, diễn ra 4 triển lãm cấp quốc gia (5 năm/1 lần), không phải dễ có được Huy chương vàng, vì nhiều triển lãm không tìm ra Huy chương vàng. Trong khi đó, nếu so với sân khấu, mỗi lần hội diễn sân khấu là mấy chục huy chương. Chưa kể, hội diễn sân khấu diễn ra định kỳ có 2-3 năm/lần. Ngoài ra, có những ngành của Mỹ thuật như tượng đài không chấm huy chương. Vì vậy, nếu áp dụng tỉ lệ huy chương, giải thưởng cho tất cả các chuyên ngành là không công bằng. Không thể cho tất cả các ngành VHNT vào... một "giỏ" được”.
Bên cạnh đó, quy định hồ sơ đủ điều kiện, tiêu chuẩn xét tặng giải thưởng phải được ít nhất 90% tổng số thành viên Hội đồng có tên trong Quyết định bỏ phiếu đồng ý là chưa phù hợp. Theo các đại biểu, việc xét giải các tác phẩm có tỉ lệ 90% số phiếu đồng ý là quá cao và khắt khe.
Kiến nghị hạ tiêu chí
Qua thực tế đợt xét tặng năm 2016, nhiều tác phẩm, cụm tác phẩm được Hội đồng các cấp thảo luận, đánh giá đều nhất trí khẳng định là những tác phẩm, cụm tác phẩm có giá trị cao về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật, có tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống xã hội nhưng để đạt được tỷ lệ đồng ý từ 90% của tổng số thành viên Hội đồng có tên trong Quyết định (trường hợp vắng mặt, Hội đồng xin ý kiến thành viên bằng văn bản) là khá khó khăn.
Với quy định như vậy, tại Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước, các hồ sơ chỉ cần 02/15 thành viên không đồng ý là không đủ điều kiện trình Hội đồng cấp Nhà nước. Tại Hội đồng cấp Nhà nước, các hồ sơ chỉ cần 03/28 thành viên không đồng ý là cũng không đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ xét trình Chủ tịch nước xét tặng giải thưởng.
Phát biểu tại hội nghị, theo ông Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng: “Khi xét giải tỉ lệ 90% số phiếu là quá cao. Đừng để 1 người nắm phiếu quyết định, chỉ 1 người không bỏ phiếu là “chết”". Ông Trần Hữu Sơn cũng kiến nghị tỉ lệ xét giải nên để là 75%.
Cũng tại Hội nghị, một số ý kiến đề xuất hạ tỉ lệ xét giải xuống dưới mức 90% như thường lệ và việc cần làm là nâng cao chất lượng của Hội đồng cấp Nhà nước. Hiện nay, 28 thành viên của Hội đồng này thuộc nhiều bộ, ngành và các chuyên ngành khác nhau trong đó có cả... Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Theo nhiều đại biểu, thành viên của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nên nằm trong Hội đồng cơ sở, vì nhiệm vụ chủ yếu của thành viên hai bộ này là xét về nhân thân. Sau khi lấy ý kiến góp ý của các văn nghệ sĩ, lãnh đạo các Hội VHNT, các nhà quản lý văn hóa, Bộ VH-TT& DL sẽ tổng hợp và đề xuất sửa đổi.
Dự kiến, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về Văn học nghệ thuật sẽ được áp dụng từ năm 2020.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.