(HNMO) - Mặc dù ngày 30-6-2017 là hết thời hạn miễn thị thực cho công dân 5 nước Tây Âu nhưng cho đến nay Chính phủ vẫn chưa có động thái nào về việc có tiếp tục gia hạn tiếp hay không.
Trong 4 tháng đầu năm 2017, tổng lượng khách từ 5 nước Tây Âu nói trên đạt gần 333.000 lượt, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là mức tăng cao đối với thị trường xa, có mức chi tiêu cao, lưu trú dài ngày. Trong đó, thị trường Tây Ban Nha tăng 32%, Đức 18%, Italia tăng 16%, Pháp tăng 13% và Anh tăng 13%.
Du khách nước ngoài thích thú xem nghệ nhân Việt Nam biểu diễn nghệ thuật thưởng trà. |
Trong 12 tháng đầu tiên miễn thị thực nhập cảnh (tháng 7-2015 đến tháng 6-2016), tổng lượng khách du lịch từ 5 nước Tây Âu đạt gần 721.000 lượt người, tăng 15,4% so với gần 625.000 lượt của 12 tháng cùng kỳ tương ứng của năm 2014 và 2015. Giai đoạn 2010-2014, tổng lượng khách du lịch từ thị trường 5 nước Tây Âu tăng trung bình 5,35%/năm. Với tốc độ tăng này, năm 2016 có thể thu hút 694.000 lượt khách. Tuy nhiên, sau khi được miễn thị thực nhập cảnh, năm 2016, tổng lượng khách từ 5 nước Tây Âu đạt gần 781.000 lượt, tăng 19% so với năm 2015, tăng thêm 87.000 lượt người.
Theo điều tra của Tổng cục Du lịch, mức chi tiêu trung bình của khách du lịch từ 5 nước Tây Âu được miễn thị thực tại Việt Nam là 1.316 USD. Với số lượng khách tăng thêm 87.000 lượt người năm 2016, tổng thu trực tiếp tăng thêm đạt hơn 114 triệu USD, thu gián tiếp và lan tỏa đạt hơn 124 triệu USD. Tổng thu tăng thêm từ lượng khách du lịch từ 5 nước Tây Âu ước đạt hơn 238 triệu USD.
Việt Nam xếp hạng 116/136 về thị thực nhập cảnh
Theo Báo cáo về năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2017 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam xếp hạng thấp nhất trong khối ASEAN về mức độ mở cửa quốc tế (hạng 73/136 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia xếp hạng). Trong 3 nội dung tạo nên chỉ số này, mức độ mở cửa của các dịch vụ hàng không song phương xếp hạng 40, số lượng các hiệp định thương mại khu vực có hiệu lực xếp hạng 54, còn yêu cầu về thị thực nhập cảnh, Việt Nam xếp hạng rất thấp: 116/136 - thấp nhất trong các nước ASEAN (Philippines hạng 41; Malaysia hạng 25; Thái Lan hạng 21; Lào hạng 18; Singapore hạng 16; Campuchia hạng 5; Indonesia hạng 2).
Hiện nay, Việt Nam đang miễn thị thực cho công dân 22 nước. Trong khi đó, Thái Lan miễn thị thực cho công dân 61 nước, vùng lãnh thổ; Malaysia miễn thị thực cho công dân 155 nước và vùng lãnh thổ; Singapore miễn thị thực cho công dân 158 nước và vùng lãnh thổ; Indonesia miễn cho công dân 169 nước và vùng lãnh thổ; Brunei miễn thị thực cho công dân 58 quốc gia, vùng lãnh thổ. Các nước này đều áp dụng chính sách cấp thị thực tại cửa khẩu và thị thực điện tử (e-visa).
Xu hướng chung của thế giới
Đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh đang là xu hướng chung trên thế giới. Theo Báo cáo về năng lực canh tranh du lịch toàn cầu năm 2017, tỷ lệ du khách cần thị thực nhập cảnh vào điểm đến quy mô toàn thế giới giảm từ 77% năm 2008 xuống còn 58% năm 2016 (năm 2015 là 61%). Trong 2 năm qua, khoảng 85% các nước đã áp dụng các biện pháp đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh.
Đáng lưu ý, theo Chỉ số hạn chế nhập cảnh toàn cầu năm 2017, các nước Đức, Anh, Pháp, Italia, Tây Ban Nha thuộc nhóm 10 nước hàng đầu thế giới có công dân được miễn thị thực nhập cảnh.
Trang Passport Index cũng vừa công bố danh sách bảng xếp hạng các cuốn hộ chiếu trên thế giới. Theo đó, Đức đang có cuốn hộ chiếu quyền lực nhất thế giới với 157 quốc gia và vùng lãnh thổ chấp nhận công dân nước này nhập cảnh mà không cần xin visa. Pháp, Tây Ban Nha, Anh đứng thứ 3 trong danh sách này được 155 nước, vùng lãnh thổ miễn visa cho công dân của mình. Italia đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng khi công dân của họ có thể tới 154 quốc gia, vùng lãnh thổ không cần visa.
Sẽ kiến nghị gia hạn thị thực từ 1 năm lên 5 năm
Thời gian qua, chính sách miễn thị thực đơn phương với thời hạn 1 năm của Chính phủ Việt Nam đối với công dân 5 nước Tây Âu nói trên đã góp phần tích cực trong việc thu hút khách du lịch từ các thị trường này đến Việt Nam. Tuy nhiên, với thời gian áp dụng ngắn hạn (1 năm) thì đây là một thách thức cho cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp du lịch và khách du lịch trong quá trình triển khai.
Thông thường, kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp thường theo chiến lược trung hạn (3-5 năm), dài hạn (từ 5 năm trở lên) để các doanh nghiệp có phương án đầu tư nguồn lực và sắp xếp kế hoạch kinh doanh. Vì thế, chính sách visa ngắn hạn mới chỉ thu hút được khách lẻ; các doanh nghiệp tổ chức khách đoàn lớn vẫn còn dè dặt, chờ đợi chính sách dài hạn, ổn định của Việt Nam.
Trong nhiều chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam gần đây, đại diện Bộ VH-TT&DL, Tổng cục Du lịch không thể đưa ra những thông tin rõ ràng cho các cơ quan, doanh nghiệp du lịch những vấn đề liên quan đến chính sách thị thực đối với 5 nước Tây Âu từ sau ngày 30-6-2017.
Hiện nay, chính sách thí điểm cấp thị thực điện tử của Việt Nam trong vòng 2 năm (kể từ ngày 1-2-2017) mới chỉ áp dụng cho 40 nước. Trong đó có 16 nước đã miễn thị thực đơn phương, còn lại là các thị trường không lớn (trừ Mỹ) nên hiệu quả chưa rõ rệt. Mặt khác, theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, việc sử dụng visa điện tử mới đây không thay thế được cho việc tiếp tục miễn visa cho các thị trường trọng điểm.
Trước thực trạng yếu kém về năng lực cạnh tranh du lịch và các vấn đề đặt ra nói trên, Bộ VH-TT&DL sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ gia hạn thời gian miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước Anh, Đức, Pháp, Italia và Tây Ban Nha từ 1 năm lên 5 năm.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục xét mở rộng diện miễn thị thực đơn phương cho công dân một số nước là thị trường du lịch trọng điểm của Việt Nam; mở rộng danh sách các nước được cấp thị thực điện tử; áp dụng cấp thị thực tại cửa khẩu (không cần thư đồng ý trước). Bộ cũng sẽ nghiên cứu áp dụng cấp thị thực quá cảnh (transit visa) để đón khách du lịch đi đường dài (từ Châu Âu sang Đông Bắc Á, Đông Nam Á hoặc Châu Úc) quá cảnh tại Việt Nam.
Những kiến nghị cụ thể này bám sát theo định hướng “tạo thuận lợi tối đa và đơn giản về thủ tục thị thực nhập cảnh cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam” như Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 16-1-2017 về Phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.