Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiến nghị Chính phủ cho phép tịch thu ô tô nếu tài xế "nặng" hơi men

Theo Dân trí| 04/03/2015 10:20

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện một số biện pháp xử lý vi phạm hành chính nhằm kéo giảm tai nạn giao thông và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, trong đó có biện pháp tịch thu xe máy và tịch thu ô tô.

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện một số biện pháp xử lý vi phạm hành chính nhằm kéo giảm tai nạn giao thông và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, trong đó có biện pháp tịch thu xe máy và tịch thu ô tô.


Mở đầu văn bản kiến nghị dài 3 trang gửi Chính phủ, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - nêu lên tình hình đảm bảo trật tự an toàn giao thông và số người chết vì tai nạn giao thông (TNGT) lần đầu tiên sau nhiều năm đã giảm xuống dưới 9.000 người.

Đây được xem là sự chuyển biến tích cực, nhưng diễn biến TNGT còn phức tạp, bằng chứng là trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua số người tử vong vì TNGT đã tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng nhấn mạnh đến tình trạng người điều khiển mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ tham gia giao thông trên đường cao tốc, uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn giao thông.
Để khắc phục những bất cập và tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị Chính phủ xem xét giao Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ đề xuất xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 171 /2013/NĐ-CP nhằm tăng nặng chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT, phá hoại kết cấu hạ tầng giao thông, cũng như cản trở người thi hành công vụ.

Riêng với hành vi điều khiển mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy, xe thô sở tham gia giao thông trên đường cao tốc, Bộ trưởng Đinh La Thăng kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện biện pháp tịch thu phương tiện.

CSGT kiểm tra nồng độ cồn của các tài xế tại TPHCM. (Ảnh: Trung Kiên)


Như vậy, nếu được Chính phủ chấp thuận thì đề xuất tịch thu phương tiện đi vào cao tốc (đường chỉ dành cho ô tô) sẽ là giải pháp mạnh tay nhất từ trước tới nay đối với hành vi vi phạm này, dù rằng đề xuất này đang có nhiều ý kiến ủng hộ và yêu cầu cân nhắc kỹ, trong đó có cả ý kiến về việc sẽ vi phạm quyền sở hữu phương tiện của người tham gia giao thông.

Với xe chở hàng vượt tải trọng trên 150% thì kiến nghị phạt người điều khiển phương tiện 25 triệu đồng/lần vi phạm và áp dụng hình thức phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe trong 1 năm và phải thi lại nội dung về Luật giao thông đường bộ trước khi được cấp lại giấy phép lái xe; đối với chủ phương tiện vi phạm là cá nhân sẽ bị phạt 40 triệu đồng/lần vi phạm và 80 triệu đồng/lần vi phạm đối với chủ phương tiện là tổ chức (sẽ bị tịch thu phương tiện nếu không nộp tiền phạt).

Kiến nghị xử phạt cũng áp dụng đối với hành vi người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn. Theo đó, người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự ô tô sẽ bị phạt tiền từ 8-15 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 6 tháng nếu điều khiển phương tiên trên đường mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn đến 50mg/100ml máu hoặc đến 0,25 mg/1ml khí thở.

Cùng hành vi này, sẽ phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng và tước giấy phép 1 năm nếu điều khiển phương tiên trên đường mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn đến 50 - 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4mg/1ml khí thở, đồng thời phải thi lại nội dung về Luật giao thông đường bộ trước khi được cấp lại giấy phép lái xe.

Sẽ tịch thu phương tiện và tước giấy phép 2 năm nếu nếu điều khiển phương tiên trên đường mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn trên 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1ml khí thở. Người vi phạm phải thi lại nội dung về Luật giao thông đường bộ trước khi được cấp lại giấy phép lái xe. Hình thức xử phạt này cũng áp dụng cho cả người vi phạm điều khiển mô tô, xe gắn máy (xe máy điện) và các loại xe tương tự mô tô, xe gắn máy.

Người điều khiển mô tô, xe gắn máy (xe máy điện) và các loại xe tương tự mô tô, xe gắn máy trên đường nếu vi phạm nồng độ cồn đến 50 - 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4mg/1ml khí thở thì sẽ bị phạt tiền từ 4-5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 1 năm, đồng thời phải thi lại nội dung về Luật giao thông đường bộ trước khi được cấp lại giấy phép lái xe.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiến nghị Chính phủ cho phép tịch thu ô tô nếu tài xế "nặng" hơi men

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.