(HNM) - Việc sử dụng các vụ kiện chống bán phá giá và biện pháp phòng vệ thương mại được nhiều quốc gia sử dụng như
Đây là vấn đề được thảo luận tại hội thảo "Kiện CBPG tại Việt Nam - Đánh thức công cụ bị bỏ quên" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 24-7, tại Hà Nội.
Các DN xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã và đang phải đối đầu với vụ kiện bán phá giá tôm, cá tra - cá basa vào thị trường Mỹ. Ảnh: Huy Hùng |
Những "điểm đen" về bán phá giá
Cùng với sự phát triển kinh tế và quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng diễn ra trên toàn cầu, các vụ tranh chấp thương mại quốc tế ngày càng gia tăng. Thống kê của WTO cho thấy, trong giai đoạn 1995-2012, trung bình mỗi năm, có hơn 200 vụ kiện CBPG được các quốc gia thực hiện nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của DN sản xuất trong nước. Trong đó, các quốc gia láng giềng của Việt Nam như: Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia đã thực hiện từ 5 đến 35 vụ kiện CBPG mỗi năm. WTO cũng "điểm mặt" các mặt hàng bị kiện CBPG nhiều nhất gồm: kim loại cơ bản, hóa chất, nhựa, cao su, máy móc thiết bị điện và hàng dệt may.
Tại thị trường Việt Nam, đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy, có hiện tượng bán phá giá, làm ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất trong nước. TS Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn về PVTM quốc tế (VCCI) cho biết, WTO đã "điểm mặt" 10 thị trường nhập khẩu (NK) có nguy cơ cao về việc thực hiện các vụ kiện CBPG, trong đó có: Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ… Đây cũng là các quốc gia nằm trong nhóm khởi kiện chống trợ cấp ở mức độ cao. Nhiều quốc gia nằm trong danh sách này là nguồn NK lớn vào Việt Nam. Vì vậy, việc xảy ra hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh tại thị trường Việt Nam là điều khó tránh. Mặc dù pháp lệnh về CBPG tại Việt Nam đã được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1-1-2004, song tính đến nay, các DN Việt Nam mới chỉ khởi kiện 1 vụ CBPG và 2 vụ PVTM. Trong khi đó, Việt Nam đã bị các quốc gia khác khởi kiện tới 70 vụ. Thực tế này cho thấy, trong khi các quốc gia đã sử dụng nhuần nhuyễn công cụ PVTM thì dường như DN Việt Nam vẫn chưa tận dụng được thế mạnh của các công cụ này. Trong khi đó, việc nhiều mặt hàng NK giá rẻ tràn vào Việt Nam đã và đang khiến DN sản xuất trong nước thêm phần khó khăn và bị cạnh tranh gay gắt ngay trên chính "sân nhà".
Làm gì để bảo vệ quyền lợi chính đáng?
Theo các chuyên gia kinh tế, việc các DN Việt Nam chỉ thực hiện 3 vụ kiện bảo vệ quyền lợi chính đáng trong suốt 10 năm qua là do một vụ kiện CBPG đòi hỏi tính chất kỹ thuật và pháp lý khá khắt khe. TS Đinh Thị Mỹ Loan nhận xét, với đa số các DN Việt Nam, các biện pháp PVTM còn khá mới mẻ, dù đây là công cụ được sử dụng thường xuyên trong thương mại quốc tế từ nhiều năm qua. Song đứng về mặt kỹ thuật, việc thực hiện một vụ kiện CBPG là vấn đề rất khá phức tạp với những đòi hỏi khắt khe về mặt pháp lý.
Ông Lê Sỹ Giảng, Phó Trưởng ban PVTM (Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương) cho biết, khi giá của hàng NK giảm mạnh, trong khi lượng hàng NK lại tăng sẽ làm giảm sức cạnh tranh của DN trong nước chính là dấu hiệu quan trọng cho thấy hàng NK bán phá giá tại thị trường Việt Nam. Lúc này, các DN phải xây dựng hồ sơ khởi kiện CBPG, trong đó xác định rõ hành vi bán phá giá và mức độ thiệt hại của DN trong nước. Một trong những nội dung quan trọng cần lưu ý khi xây dựng hồ sơ khởi kiện là 25% hoặc 50% DN của ngành sản xuất bị ảnh hưởng quyền lợi phải đóng vai trò nguyên đơn. Các DN phải thu thập đầy đủ những dữ liệu chứng minh sản phẩm bị điều tra đang được bán theo giá thấp hơn giá bán tại thị trường xuất khẩu và thấp hơn một sản phẩm tương tự tại nước thứ ba. Tuy nhiên, theo TS Đinh Thị Mỹ Loan, DN cần chuẩn bị chu đáo hồ sơ khởi kiện bởi việc kéo dài thời gian bổ sung hồ sơ sẽ tạo thuận lợi cho đối phương chuẩn bị thêm chứng cứ bác bỏ đơn kiện. Mỗi DN cũng nên chuẩn bị sẵn sàng về nguồn nhân lực, tài chính và thời gian để theo đuổi vụ việc trước khi quyết định tham gia các vụ kiện CBPG.
Thực tế cho thấy, nhiều loại hàng hóa có kim ngạch NK lớn vào thị trường Việt Nam hiện là đối tượng của nhiều vụ kiện CBPG trên thế giới. Các DN xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng đã và đang phải đối đầu với vụ kiện bán phá giá tôm, cá tra, cá basa vào thị trường Mỹ với thời gian kéo dài hằng năm. Vì vậy, việc đấu tranh, phòng vệ chính đáng để giành ưu thế khi tham gia thương mại quốc tế là điều cần được mỗi DN xem xét, sử dụng. Nếu biết cách sử dụng hiệu quả các biện pháp PVTM, DN Việt Nam không chỉ bảo vệ được quyền lợi chính đáng của mình mà còn có thể mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua ưu thế giá cả và chất lượng. Đây chính là cơ sở quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh và vững vàng hơn khi tham gia các hoạt động thương mại quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.