(HNM) - 1.034 tỷ đồng là số tiền thuế do lực lượng kiểm tra sau thông quan (KTSTQ), Tổng cục Hải quan thu được trong 11 tháng năm 2014.
Thông qua việc thực hiện 3.103 cuộc kiểm tra tại trụ sở cơ quan hải quan và trụ sở DN, nhiều sai phạm đã được chỉ rõ, qua đó giúp DN nâng cao nhận thức về pháp luật, đồng thời tránh thất thu một lượng lớn tiền thuế cho ngân sách nhà nước (NSNN). Tuy nhiên, để tìm được "tiếng nói chung" với DN khi thực hiện KTSTQ là một hành trình gian nan.
Khách hàng giao dịch tại Chi cục Hải quan Gia Thụy, Cục Hải quan TP Hà Nội. Ảnh: Bảo Kha |
Với mục tiêu cải cách thủ tục hải quan theo hướng tạo thuận lợi cho DN, thời gian qua, ngành hải quan đã có nhiều biện pháp thiết thực nhằm cắt giảm thời gian thông quan hàng hóa, qua đó tiết giảm đáng kể thời gian, chi phí cho DN. Để có thể thực hiện cùng lúc hai nhiệm vụ: Tạo thuận lợi tối đa cho DN và chống thất thu NSNN, hoạt động KTSTQ luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành hải quan. Hàng loạt sai phạm của DN đã được lực lượng hải quan phát hiện, qua đó giúp thu đúng, thu đủ tiền thuế nộp NSNN.
Đại diện Chi cục KTSTQ, Cục Hải quan Quảng Ninh cho biết, qua kiểm tra, đơn vị đã phát hiện những sai phạm phổ biến của DN, như khai sai hàng hóa nhập khẩu (NK) thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi miễn thuế, khai báo sai về trị giá, mã số hàng hóa... Một trong những vụ việc nổi bật trong năm 2014 là trường hợp của Công ty cổ phần Nhiệt điện Cẩm Phả, khai báo NK toàn bộ máy móc, thiết bị chính của dự án Nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả với tổng trị giá hàng hóa trên 138,372 triệu USD thuộc diện miễn thuế NK và thuế GTGT. Qua kiểm tra hồ sơ hải quan và các chứng từ, tài liệu do công ty cung cấp, lực lượng hải quan xác định có 591 mục hàng là linh kiện, chi tiết, các bộ phận rời của máy móc thiết bị chính có tổng trị giá 53,921 triệu USD, không khai báo trên tờ khai hải quan. Kiểm tra sổ sách kế toán và các bảng quyết toán vật liệu nhà thầu do phòng vật tư của DN cung cấp, lực lượng hải quan xác định, 596 mặt hàng là vật tư, phụ tùng dự phòng trị giá 1,1 tỷ USD không thuộc đối tượng miễn thuế NK, tổng số thuế NK và thuế GTGT còn thiếu là 3,479 tỷ đồng. Ngoài ra, còn một số hạng mục vật tư, phụ tùng dự phòng không thuộc diện được miễn thuế cũng được lực lượng KTSTQ phát hiện với trị giá tiền thuế phải truy thu lên tới hàng tỷ đồng.
Tại Cục Hải quan Hà Nội, 150 cuộc KTSTQ đã được thực hiện trong 11 tháng qua, tăng 92% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó có 40 cuộc kiểm tra tại trụ sở DN tăng 142% so với cùng kỳ năm 2013. Tổng số thuế truy thu cho NSNN đạt 89 tỷ đồng, tăng 163,6% so với cùng kỳ năm 2013. Bên cạnh những hoạt động nghiệp vụ thông thường, Cục Hải quan Hà Nội còn phối hợp, trao đổi thông tin với Cục Hải quan Lạng Sơn về công tác KTSTQ trong 4 năm gần đây. Qua 5 lần trao đổi thông tin liên quan đến 219 DN về các lĩnh vực NK phụ tùng ô tô, xe máy, hàng gốm sứ, vải, quần áo, giày dép, thực phẩm, đồ điện tử, nguyên liệu đông dược… hàng chục tỷ đồng tiền thuế đã được truy thu, nộp NSNN.
Để phát hiện, truy thu hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế cho NSNN mỗi năm, lực lượng KTSTQ phải đối mặt với không ít khó khăn. Bởi bên cạnh những DN có dấu hiệu vi phạm cố tình chống đối, ngay cả DN chấp hành tốt pháp luật khi đề cập đến vấn đề KTSTQ vẫn có tâm lý e ngại, sợ phiền hà.
Một cán bộ có nhiều năm công tác KTSTQ cho biết, DN luôn có tâm lý hải quan kiểm tra là để tìm sai phạm. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng một phần với những DN có dấu hiệu vi phạm. Một nhiệm vụ quan trọng khác của lực lượng "hậu kiểm" là đánh giá sự tuân thủ pháp luật của DN. Bởi trong bối cảnh ngành hải quan đang đẩy mạnh cuộc cải cách, hiện đại hóa, vai trò KTSTQ hết sức quan trọng. KTSTQ lúc này sẽ là công cụ quản lý hải quan hiện đại theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Thông qua hoạt động này, ngành hải quan sẽ có được một kênh thông tin quan trọng, tin cậy để đánh giá, sàng lọc và đưa ra những biện pháp quản lý và áp dụng chính sách phù hợp cho từng trường hợp. Nếu DN chấp hành tốt pháp luật sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi trong quá trình làm thủ tục hải quan, thông quan hàng hóa.
Luật Hải quan 2014 quy định rõ về KTSTQ gồm: Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan và pháp luật liên quan đến XNK; kiểm tra trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro với các trường hợp khác; kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của người khai hải quan. Việc quy định rõ về hoạt động KTSTQ sẽ giúp hải quan, DN tìm được tiếng nói chung, qua đó nâng cao trách nhiệm tuân thủ pháp luật của DN và tránh thất thu cho NSNN. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.